09:01, 03/01/2019

Phát huy giá trị lịch sử cách mạng địa phương

Bên cạnh nâng cao công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử xã, phường, thị trấn thì công tác tuyên truyền nhằm phát huy tốt hơn các giá trị lịch sử cũng cần được quan tâm.

Bên cạnh nâng cao công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử xã, phường, thị trấn thì công tác tuyên truyền nhằm phát huy tốt hơn các giá trị lịch sử cũng cần được quan tâm. 
 

 

Học sinh Trường Tiểu học số 3 Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa)  tham quan Khu lưu niệm di tích quốc gia tàu C235 (Ninh Vân).
Học sinh Trường Tiểu học số 3 Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa) tham quan Khu lưu niệm di tích quốc gia tàu C235 (Ninh Vân).
 
Quan tâm chỉ đạo sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn
 
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 05 ngày 24-11-2006 về đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn. 
Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn và giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở địa phương. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã nghiêm túc tiếp thu, quán triệt và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Việc theo dõi công tác biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương được thực hiện thường xuyên qua các báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Qua đó, Thường trực Tỉnh ủy nắm được tình hình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong toàn tỉnh, những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Các huyện, thị, thành ủy đã xuất bản ấn phẩm lịch sử đảng bộ huyện giai đoạn trước năm 1975 phải thực hiện chỉnh lý; tăng cường công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn sau năm 1975, phấn đấu hoàn thành trước đại hội đảng bộ năm 2020. Các xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành phải tập trung hoàn thành biên soạn theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng hình thức phù hợp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn ban tuyên giáo cấp huyện về nghiệp vụ sưu tầm tư liệu, phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử, biên soạn biên niên sự kiện. 
 
Sau 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng của các xã, phường, thị trấn có bước phát triển rõ rệt. Trước khi chỉ thị ban hành, toàn tỉnh chỉ có 5 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử cách mạng địa phương mình. Đến giữa tháng 12-2018, toàn tỉnh đã có 101 xã xuất bản ấn phẩm lịch sử cách mạng địa phương; 13 xã đã được Hội đồng tổ chức thẩm định bản thảo. Các công trình lịch sử đã biên soạn và xuất bản đều đảm bảo yêu cầu về tính Đảng, tính khách quan, tính khoa học và chiến đấu, thống nhất chung với lịch sử toàn đảng bộ; đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị.
 
Phát huy giá trị lịch sử cách mạng địa phương
 
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử, các đơn vị, địa phương lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương vào các buổi sinh hoạt chính trị, thông tin thời sự; tổ chức tọa đàm, gặp mặt các nhân chứng 
 
lịch sử ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng, dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền lịch sử địa phương, truyền thống cách mạng với nhiều hình thức phong phú.
 
Ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh cho biết, những năm qua, Diên Khánh đã quan tâm biên soạn những tài liệu lịch sử địa phương mang tính chất chuyên đề và tổ chức hướng dẫn truyền đạt cho toàn bộ giáo viên dạy sử các trường phổ thông; tổ chức đưa các em học sinh tham quan các di tích lịch sử... Ông Phan Đình Phùng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cam Lâm cho biết, công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền vào trường học với các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động dưới cờ, hoạt động truyền thống đoàn, đội; lồng ghép tuyên truyền vào các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của địa phương; thông qua các buổi sinh hoạt quân - dân - chính tại các thôn, xóm; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các đoàn thể, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh; nhiều xã đã tổ chức thi tìm hiểu lịch sử cách mạng địa phương của xã mình...
Về tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương trong nhà trường, ông Nguyễn Đức Sơn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sở đã chỉ đạo các cấp học giảng dạy, lồng ghép nội dung thích hợp về giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương. Đồng thời, các trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về chủ đề lịch sử, văn hóa như hội thi Rung chuông vàng, tìm hiểu lịch sử quê em...; chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương theo hướng kết hợp nghe, nhìn và trực tiếp tham gia hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục, từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên như: tham quan các căn cứ địa cách mạng, nhà truyền thống, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh...
 
NAM DU