09:12, 04/12/2018

Lấy phiếu tín nhiệm cần công tâm, với tinh thần xây dựng

Từ ngày 5 đến 7-12, HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức kỳ họp thứ 7 để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng. 

Từ ngày 5 đến 7-12, HĐND tỉnh Khánh Hòa tổ chức kỳ họp thứ 7 để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Để thông tin rõ hơn về kỳ họp, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.


- Xin ông cho biết những nội dung quan trọng HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, thông qua tại kỳ họp này?

 

- Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng như: đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), an ninh - quốc phòng của tỉnh năm 2018 và quyết định các chủ trương đầu tư năm 2019; xem xét các dự án cần thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số diện tích để thực hiện một số dự án phát triển nói chung; công tác giám sát, trả lời chất vấn, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng sẽ thảo luận, thông qua một số nghị quyết về chủ trương, chính sách để phát triển KT-XH của tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo.


- Như ông vừa cho biết, tại kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu, xin ông cho biết cụ thể về đối tượng lấy phiếu cũng như cách thức tiến hành lấy phiếu?


- Theo Nghị quyết số 85 ngày 28-11-2014 của Quốc hội, Quốc hội, HĐND các cấp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối của năm thứ 3. Như vậy, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa VI sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết 85. Sau khi xem xét, Thường trực HĐND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các trưởng ban HĐND tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh; Chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, ủy viên UBND tỉnh. Như vậy, có 28 người sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.


Để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm, từ 1 tháng trước, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo tự đánh giá thực hiện nhiệm vụ công tác trong thời gian qua và kê khai tài sản cá nhân để gửi các đại biểu HĐND tỉnh. Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ công bố danh sách, số người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, HĐND tỉnh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp với 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Theo kế hoạch, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND tỉnh đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND tỉnh trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực HĐND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu được thực hiện đúng theo Nghị quyết số 85 của Quốc hội.


- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân người được lấy phiếu cũng như công tác đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ, thưa ông?


- Nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần. Mức độ tín nhiệm là thước đo đánh giá năng lực, trách nhiệm của người được HĐND tỉnh bầu đối với công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa thể hiện hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, vừa giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện hơn nữa, nâng cao trách nhiệm với công việc được giao. Những người có số lượng phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều hoặc chưa được đại biểu đánh giá tín nhiệm cao phải có suy nghĩ hành động trong thời gian sắp tới để khắc phục khuyết điểm, làm tròn trách nhiệm của mình. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ cũng như sắp xếp, bố trí cán bộ cho nhiệm kỳ tới.


- Với ý nghĩa ấy, ông có điều gì gửi gắm, chia sẻ về trách nhiệm của các đại biểu dân cử đối với lá phiếu của mình?


- Lấy phiếu tín nhiệm lần này là đợt sinh hoạt chính trị mang ý nghĩa sâu sắc, ảnh hưởng đến uy tín từng chức danh lãnh đạo, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong tỉnh. Do đó, người được lấy phiếu tín nhiệm trước hết phải trung thực báo cáo kết quả phấn đấu của mình trong thời gian qua, kê khai tài sản đầy đủ và có chương trình hành động trong thời gian sắp tới một cách thiết thực. Có như vậy, người cầm lá phiếu tín nhiệm mới thấy được tinh thần, thái độ, trách nhiệm, ý thức phê và tự phê, sẵn sàng nhận khuyết điểm, trách nhiệm để có hướng khắc phục trong thời gian sắp đến của người được lấy phiếu.


Qua đây, tôi cũng mong các đại biểu HĐND tỉnh với tinh thần đoàn kết, cần công tâm, khách quan, thận trọng, với tinh thần đóng góp xây dựng để người được lấy phiếu tín nhiệm tâm phục, khẩu phục kết quả lấy phiếu và có điều kiện tiếp tục khắc phục khuyết điểm, đề ra phương hướng hành động để làm tròn chức trách của mình trong thời gian tới.


- Xin cảm ơn ông!


KHÁNH NINH (Thực hiện)