11:09, 13/09/2018

Những điều cần biết về chủ trương xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Từ những năm 1990 đến nay, Trung Quốc đã thành lập nhiều đặc khu kinh tế và đạt được những thành tựu nổi bật. Hàn Quốc đến nay đã thành lập 7 đặc khu kinh tế; các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã thành lập hàng chục đặc khu kinh tế với những cơ chế tự trị cao thuộc đẳng cấp quốc tế.

Câu 1: Tại sao phải xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu)?


Trả lời: Từ những năm 1990 đến nay, Trung Quốc đã thành lập nhiều đặc khu kinh tế và đạt được những thành tựu nổi bật. Hàn Quốc đến nay đã thành lập 7 đặc khu kinh tế; các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã thành lập hàng chục đặc khu kinh tế với những cơ chế tự trị cao thuộc đẳng cấp quốc tế. Nhiều mô hình đặc khu rất thành công như: Singapre, Hồng Kông, Dubai, Thượng Hải, Thái Lan, Nhật Bản… Các đặc khu kinh tế này đã thu hút các dòng tiền đầu tư, luân chuyển với giá trị hàng ngàn tỷ USD.


Gần đây, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục thành lập thêm các đặc khu hoặc hoàn thiện các thể chế, chính sách áp dụng cho các đặc khu hiện có như: Thái Lan (2015); Myanmar (2015); Nhật Bản (2015), Thành phố Quốc tế tự do Jeju Hàn Quốc (2011). Ấn Độ đến tháng 9-2017 có 221 đặc khu kinh tế, có nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục xây dựng các đặc khu kinh tế để phát triển thí điểm thể chế.


Xu thế của các đặc khu trên thế giới là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính, giải quyết nhanh, gọn yêu cầu của nhà đầu tư, người dân theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trực tuyến trên mạng và tập trung thu hút các ngành công nghệ cao của các nước phát triển, nhất là phương Tây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... và có giá trị gia tăng cao như: công nghệ cao 4.0, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, y tế, giáo dục chất lượng cao...


Câu 2: Chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?


Trả lời: Việc nghiên cứu, xây dựng các đơn vị hành chính -  kinh tế đặc biệt để tạo cực tăng trưởng, thử nghiệm đổi mới về kinh tế, quản lý, tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được xác định trong văn kiện nhiều nhiệm kỳ đại hội, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các kết luận của Bộ Chính trị và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật liên quan, gần đây nhất là Luật Quốc phòng.


Câu 3: Những lợi ích khi Việt Nam xây dựng đặc khu?


Trả lời: a) Góp phần hiệu quả tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành kinh tế, đóng góp thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể: việc xây dựng các đặc khu tại Việt Nam là để thí điểm: hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, công nghiệp sáng tạo, là một cực ứng phó biến đổi khí hậu; cải cách thủ tục hành chính đơn giản cho doanh nghiệp và người dân; quản lý xã hội chặt chẽ, phương pháp quản lý hiện đại, khoa học, tiên tiến, tư pháp chặt chẽ đảm bảo chủ quyền.


Ngoài ra, việc thành lập các đặc khu tác động tích cực trên nhiều mặt như: tăng trưởng kinh tế cao hơn, tăng thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người, tạo nhiều công ăn việc làm đảm bảo an sinh xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ cao, nhất là từ các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhằm đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


b) Về xã hội, môi trường: sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại của các tỉnh xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.


c) Về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh: sẽ tăng vị thế và vai trò của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín chính trị của nước ta; việc phát triển các đặc khu kinh tế ngoài việc góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, còn khẳng định rõ chủ quyền, quan điểm phát triển của Việt Nam.


Câu 4: Vị trí Khánh Hòa trong mối quan hệ phát triển quốc gia và quốc tế?


Trả lời: Khánh Hòa thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của đất nước. Có vị trí địa lý, kinh tế khá thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quốc gia quan trọng cả về đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không; nằm gần đường hàng hải quốc tế, có các cảng biển lớn, là một trong những cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có đường hàng không nối với các trung tâm kinh tế lớn như: thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới,… tạo điều kiện cho Khánh Hòa mở rộng giao lưu kinh tế với cả nước và quốc tế.


Với vị trí địa lý nêu trên và những thành tựu Khánh Hòa đạt được trong thời gian qua, vị trí của Khánh Hòa trong mối quan hệ phát triển quốc gia và quốc tế đã thể hiện rõ nét trên các mặt như sau:


+ Cơ sở hạ tầng quốc gia tác động đến phát triển tỉnh Khánh Hòa: Quốc lộ 1 và đường sắt nối Khánh Hòa với các tỉnh phía bắc, phía nam; Quốc lộ 26 nối thị xã Ninh Hòa với tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên; Quốc lộ 27C nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt; có các cảng biển lớn như: Cam Ranh, Nha Trang; cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh,… là những cầu nối gắn kết Khánh Hòa với các vùng, miền trong nước và kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới.


+ Nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài kết hợp với nguồn lực của địa phương, Khánh Hòa đã huy động, phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật vào 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, các chương trình mục tiêu theo nguyên tắc có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


+ Hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do tác động đến phát triển tỉnh Khánh Hòa: thực hiện phương châm, đường lối đối ngoại của Đảng về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, những năm qua, Khánh Hòa tiếp tục duy trì, thực hiện và khai thác có chiều sâu các mối quan hệ hợp tác quốc tế đã ký kết với các địa phương nước ngoài, đã giúp tỉnh tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


+ Phát huy các lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh, làm động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước: thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường của Chính phủ đề ra, tỉnh Khánh Hòa đã phát huy các lợi thế, tiềm năng phát triển, nhất là phát triển du lịch và kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước.


P.V
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)