07:02, 19/02/2018

Những cây cổ thụ ở Trường Sa

Ở Trường Sa có nhiều cây cổ thụ đang được quân và dân trên đảo chăm sóc và phát triển tươi tốt. Trong đó, có những cây cổ thụ có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa và cảnh quan, là biểu tượng thể hiện sức sống mãnh liệt của vùng đất và con người ở Trường Sa.

Ở Trường Sa có nhiều cây cổ thụ đang được quân và dân trên đảo chăm sóc và phát triển tươi tốt. Trong đó, có những cây cổ thụ có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa và cảnh quan, là biểu tượng thể hiện sức sống mãnh liệt của vùng đất và con người ở Trường Sa.

 

Cây mù u trên đảo Sơn Ca

Cây mù u trên đảo Sơn Ca


Lịch sử những cây cổ thụ gắn liền với chiều dài lịch sử của các đảo ở huyện Trường Sa. Vào thế kỷ thứ XVII, khi triều đình nhà Nguyễn cho người ra khảo sát, khai thác thì nhiều cây đã phát triển xanh tốt như: cây phong ba, cây bàng vuông, cây mù u… Những cây cổ thụ trên các đảo được ví như những người bạn thân thương, gần gũi, gắn bó với các sinh hoạt hàng ngày của quân và dân trên đảo, cùng với nhiều loại hoa: hoàng yến, phong lan, giấy, sứ, sử quân tử, chiều tím, trang… được chăm sóc tỉ mỉ tạo nên cảnh quan thơ mộng như những công viên xanh mát giữa biển trời mênh mông sóng nước.


 Song Tử Tây là một trong những đảo nên thơ với sắc hương của nhiều loại cây xanh và hoa tạo nên sức sống tươi đẹp và thanh bình. Trên đảo có cây phong ba cổ thụ sinh trưởng tự nhiên có độ tuổi khoảng 300 năm. Cây có chiều cao 25m, thân có 5 cành, thân cây to khoảng 2 người ôm, che bóng mát cả khu đất rộng. Cây phát triển tươi tốt, chịu nắng gió, nước mặn, cụm hoa xim bò cạp xếp hai dãy nhỏ màu trắng, mọc thành chùm rất đẹp. Quân dân trên đảo đã xây khuôn viên xung quanh cây để bảo quản, chăm sóc.


Đảo Nam Yết có thảm thực vật xanh bao phủ với nhiều loại cây lâu năm như: phong ba, bàng vuông, mù u, dừa. Trên đảo có cây bàng vuông cổ thụ sinh trưởng tự nhiên có độ tuổi khoảng 300 năm, cây cao hơn 10m. Thân cây có 7 nhánh tuyệt đẹp, tỏa bóng mát trong khuôn viên vui chơi, thể thao của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, là một trong những biểu tượng độc đáo có sức sống mãnh liệt của vùng đất và người Trường Sa. Trên đảo còn có cây mù u tỏa bóng mát trên khoảng sân rộng. Cây có độ tuổi hơn 100 năm, cao hơn 21m, có chu vi gốc hơn 3m, thân cao nhiều nhánh có tán rộng. Những cây cổ thụ rợp bóng trên đảo Nam Yết gắn bó với những hoạt động của quân và dân trên đảo vào những ngày lễ, Tết và những sự kiện quan trọng.


Thực vật ở đảo Sơn Ca khá phong phú, đa dạng về chủng loại như: cây bàng vuông, mù u, phi lao. Trên đảo có cây mù u có độ tuổi khoảng 300 năm, cây cao hơn 15m, tán rộng, lá nhiều, xanh thẫm, hình rẻ quạt, hoa chùm màu trắng; có sức chịu đựng tốt ở nơi đất cằn cỗi, san hô... Quân dân trên đảo đã xây hòn non bộ cạnh gốc cây tạo quang cảnh đẹp, thoáng mát cho quân và dân trên đảo sinh hoạt và khách đến tham quan.


Tại đảo Sinh Tồn, cây mù u được trồng hơn 70 năm, trong quá trình người Việt Nam đã có mặt xây dựng và phát triển đảo. Cây có chiều cao khoảng 15m, có 3 nhánh, chu vi gốc cây hơn 3m. Cây phát triển tươi tốt với nhiều hoa, quả quanh năm.


Những cây cổ thụ cùng với những cột mốc chủ quyền là chứng tích lịch sử đặc biệt quan trọng để khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.


Hoàng Lệ Hà