08:02, 17/02/2018

Miền hoa xưa xứ này

Nhớ nhất chính là làng hoa Đồng Nai - Hương Điền, phường Phước Hải. Khi đó vẫn là phần ven đô của Nha Trang bé nhỏ. Mọi người vẫn nhớ con dốc từ đường Lữ Gia (nay là đường Lê Hồng Phong) xuôi vào xóm Hương Điền, rồi từ nơi đây có những con đường nhỏ quanh co, có đủ ao đầm, mương nước, núi nhỏ và cánh đồng hiền hòa với lũy tre xanh rì rào.

Nhớ nhất chính là làng hoa Đồng Nai - Hương Điền, phường Phước Hải. Khi đó vẫn là phần ven đô của Nha Trang bé nhỏ. Mọi người vẫn nhớ con dốc từ đường Lữ Gia (nay là đường Lê Hồng Phong) xuôi vào xóm Hương Điền, rồi từ nơi đây có những con đường nhỏ quanh co, có đủ ao đầm, mương nước, núi nhỏ và cánh đồng hiền hòa với lũy tre xanh rì rào. Bình thường, những bờ rào thanh bình với bìm bìm hoa tím chen đua với tigôn tươi hồng như nhắc rằng nơi đây vẫn còn nguyên sơ sự hoang dã, thấm đẫm miền quê nghèo đang nép mình bên đường ray xe lửa chạy băng qua. Vậy mà sắp Tết, cả làng bừng sáng rực với muôn loài hoa: cúc, thược dược, hồng bóng gương, mãn đình hồng, vạn thọ, sống đời… Đây là những loài hoa trồng riêng cho Tết Nguyên đán. Cùng với đó, có những luống hoa xen canh với rau, lúa ở dưới cánh đồng Phước Hải kia chỉ dùng cho cúng rằm, mùng một hàng tháng.

 


Làng hoa Đồng Nai - Hương Điền không to rộng, không trồng những thứ hoa cầu kỳ, khó tính như: lay ơn, hồng nhung, lys…; hình như cũng không trồng tắc (quất), đào, hay mai. Khi đó, người trồng hoa nổi tiếng hay mới làm đều gần như nhau, không có gì vượt trội, không có các loại phân thuốc hóa học đặc biệt như hôm nay để làm ra những bông hoa to lớn cầu kỳ tới ngỡ ngàng, tất cả đều bé nhỏ vừa phải, khiêm tốn nhưng không kém phần rực rỡ muôn thuở của loài hoa Tết. Rồi tới ngày 23 tháng Chạp, tất cả hoa của làng đều hội tụ về chợ Đầm - trước cổng to được trang hoàng rực rỡ, kẻ chữ: Chợ Tết. Chỉ khi hoa làng Đồng Nai về đây thì coi như chợ Đầm mới là chợ Tết! Cũng không thể quên được chợ hoa Tết trước cổng chợ Đầm. Suốt thập niên 80, chỉ nơi này bày hoa Tết nên thực sự làm ngây ngất bao người đi chơi chợ Tết, ngắm hoa chụp ảnh. Từ đây tỏa lên đường Phan Bội Châu, rẽ sang đường Sinh Trung là đường của hoa mai. Người dân quê chặt những cành mai đem tới đây bán. Sau này, chợ Đầm bị lấn chiếm hết phần đất phía trước, chợ hoa Tết cũng biến mất và nhu cầu lớn nên hoa Tết được bày bán khắp nơi.


Nhắc tới làng hoa Đồng Nai - Hương Điền mà không nhắc đến rừng mai Phước Hải nổi tiếng chưa xa là quên đi một miền hoa xuân cổ tích đã đi vào thơ văn một thời. Đó chính là cánh rừng có rất nhiều mai núi nổi tiếng đặc hữu của xứ Trầm Hương. Theo các cụ tiền hiền xưa kể lại, từ dãy núi Đồng Bò, mai tỏa kín cả Vĩnh Thái, Phước Hải, Bình Tân, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, thế nên xưa mới có câu “Mai bát ngát từ núi cao tới tận bãi cát dạt dào sóng vỗ”.  Những dịp Tết đến xuân về, người dân vẫn còn đến đây chặt cành mai về cắm chơi ba ngày xuân. Cũng cần nhắc thêm về phía nam, qua dãy núi Đồng Bò có thêm một rừng mai nổi tiếng tới tận thập niên 80 vẫn còn, đó là mai bán đảo Cam Ranh. Trên các đụn cát nhấp nhô như hoang mạc lộng gió tràn ngập những cây mai núi có nét riêng, thân khẳng khiu loang lổ mốc, hoa 5 cánh tuy hơi nhỏ nhưng thắm vàng, rất lâu rụng. Người dân vùng Cam Ranh, Cam Lâm bây giờ vẫn lội qua đầm Thủy Triều săn mai, cho mãi tới đầu thập niên 90 thì mới hết bóng mai ở đất này. Từ ký ức này, chúng ta đều ước ao được trở lại những cánh rừng hoa, làng hoa xưa để sống với mùa xuân thiên nhiên tuyệt vời đó và cảm thấy ngậm ngùi rằng ngày đó có thể vật chất còn đơn sơ nhưng những gì thiên nhiên đã tạo hóa cho chúng ta được tất cả một mùa xuân thật tự nhiên mà ngập sắc thanh bình.


Với Nha Trang, miền Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh cũng là xứ sở của hoa cảnh mang đậm chất sân vườn, đương nhiên chủ đạo vẫn là mai. Chính từ đây, mai Nha Trang đã lên ngôi tạo nét riêng biệt so với miền khác, biến từ những cây mai hoang sơ quê mùa thành những cành mai thế, chậu mai bon sai có vẻ đẹp sang trọng, quý giá cho cách chơi xuân hôm nay.


Tuy nhiên, có lẽ ấn tượng nhất, nhung nhớ nhất vừa biến mất trong tầm tay của con người hôm nay trong ngày xuân của Nha Trang đó là ngôi nhà gạch, mái cũ âm dương rêu phủ với sân nhỏ cùng bóng mai rợp vàng phút xuân sang. Thập niên 80, Nha Trang còn rất nhiều ngôi nhà xây kiểu kiến trúc đầu thế kỷ XX đầy đủ sân vườn, bờ rào giản dị. Hình ảnh ngôi nhà với mảnh sân bé nhỏ có bóng cây đơn sơ trong bờ rào đậm chất ước lệ có vẻ đẹp thanh tao, nó khác xa với những cổng rào cao lớn, kiên cố thời nay. Đó chính là những bờ rào làm nên từ những loại cây thường xanh quen thuộc: trà tàu, ô rô, duối hay bời bời loài dây leo bìm bìm hay tigôn, tóc tiên, mùng tơi… Chính cái đơn sơ tưởng tạm bợ như thế mà lại rất thân thiện, chan chứa tình cảm của lòng người, bởi từ người lớn tới trẻ nhỏ khi đến thăm gia chủ cũng không phải ngước ngóng chờ đợi. Cứ đến ngõ đã nhận được tiếng chào mời của chủ nhà từ mái hiên sau bóng mai. Cái quý hơn là cây mai vàng được trồng tự nhiên giữa sân nhà đã tô điểm đặc trưng cho ngôi nhà truyền thống. Nếu như trong mùa đông đầy gió lạnh lá cằn khô thì Tết đến xuân sang nó bừng nở rực rỡ, tỏa vàng khắp cả không gian ngôi nhà. Khi còn đốt pháo, người ta treo bánh pháo hồng trước hiên đốt, xác pháo ngũ sắc tung vãi khắp nơi hòa vào cánh mai vàng lấm tấm trên sân trong sớm mai mùng một là hình ảnh đầy cảm xúc không bao giờ quên. Hôm nay tất cả điều đó không còn thì người ta in vào thiệp, tranh vẽ về đặc trưng của Tết cổ truyền cho mọi người đỡ nhớ. Với những ngôi nhà có bóng mai vàng đó làm cho mùa xuân, ngày Tết trở nên thanh bình, đầm ấm biết bao. Đó chính là miền cảm mến, lưu nhớ đầy xao xuyến và cả đôi chút khắc khoải. Nha Trang ngày chưa xa có đủ những miền hoa tươi, thắm biếc dịp xuân về. Rất tiếc nay đã phai nhạt và biến mất. Thật tiếc thay quá khứ…


Lê Đức Dương