07:02, 15/02/2018

Cuối năm rồi, về ăn Tết nhen bây!

 Mỗi lần có dịp quây quần, chúng tôi thường lôi mấy chuyện cố tỉ cố lai ra kể cho nhau nghe. Có lúc cười nắc nẻ như đứa trẻ lên ba, khi thì nghẹn ngào len lén đưa tay quẹt nước mắt khóc thầm. Đôi lần tặc lưỡi tiếc hùi hụi, giá mà hồi đó mình như thế này, thế kia thì đỡ biết bao. Và quanh đi quẩn lại, mọi người không bao giờ quên kể cho nhau nghe chuyện ngày xưa của ba với má.

1. Mỗi lần có dịp quây quần, chúng tôi thường lôi mấy chuyện cố tỉ cố lai ra kể cho nhau nghe. Có lúc cười nắc nẻ như đứa trẻ lên ba, khi thì nghẹn ngào len lén đưa tay quẹt nước mắt khóc thầm. Đôi lần tặc lưỡi tiếc hùi hụi, giá mà hồi đó mình như thế này, thế kia thì đỡ biết bao. Và quanh đi quẩn lại, mọi người không bao giờ quên kể cho nhau nghe chuyện ngày xưa của ba với má.

 

Ba má đến với nhau khi ai cũng có một đời chồng đời vợ. Rồi con anh con em, thêm con của chúng mình tròm trèm gần hai chục. Những năm sau chiến tranh khó khăn, chòm xóm cho con cái đi Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Gia Lai, Cần Thơ, Cà Mau làm ăn xa, kiếm tiền gửi về phụ giúp. Riêng ba má không muốn cho anh chị tôi đi đâu, cứ giữ mãi một bên, bày đủ thứ chuyện ra để làm. Chén cơm, hột muối sẻ chia, chứ không muốn con mình rày đây mai đó, chạy ăn từng bữa một. Để rồi bây giờ, khi chúng tôi tóc đã hoa râm, chị Hai ngoài sáu mươi, tôi nhỏ nhất đã gần bốn chục. Dù ở quê hương hay giữa xứ người, chúng tôi vẫn nhớ lời ba má ngày xưa, ở gần bên, nương tựa nhau mà sống.


Mà tụi tôi giống ba má, hay gọi tháng Mười hai âm lịch là tháng Chạp, tháng Một là tháng Giêng. Xa nhà, chỉ cần nghe hai chữ tháng Chạp thôi đã thấy rộn ràng, khi người ta dù giàu hay nghèo cũng cuống cuồng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết ấm êm, để sang năm mới mong cho mọi điều thuận lợi.

 

Hạnh phúc mùa xuân.

Hạnh phúc mùa xuân.

 

2. Với ba má, bữa cơm cuối năm và ba ngày Tết luôn thiêng liêng, ấm cúng. Con cái tụ tập về chung tay chung chân, quên nợ nần bủa vây tứ phía, nấu bữa cơm với những món mỗi năm chỉ được ăn một đôi lần. Để rồi năm năm, mười năm, thậm chí hai mươi năm sau, cũng cúng y chang mấy món thơm mùi nhang đó. Nghe thôi, đã biết ngay mùi vị.


Má tôi giỏi lắm nhen. Dù bận trăm công ngàn việc với gian hàng tạp hóa trước nhà, mua bán rần rần cho ba ngày Tết, nhưng sau rằm tháng Chạp, má đã một tay chỉ đạo cả bầy con, lo sắm sửa cửa nhà tươm tất. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát. Sẵn tay, mua vài ký kiệu, phơi héo, làm sạch, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu, một nửa làm dưa chua, nửa kia làm dưa món.


Chị mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, thẩu bánh thửng về cúng ông bà và đãi khách. Chiều hai chín đi mua mấy nải chuối, trái cây chưng mâm ngũ quả, hoa cúc, sống đời, huệ trắng cắm bàn thờ. Riêng bánh tét không cần mua ở đâu xa. Dì Tám là chuyên gia gói bánh tét. Đòn bánh tét của dì chắc nịch, gói bằng dây sống lá gọn trơn. Nếp chín dẻo, thịt mỡ ướp với hành ngấm vào từng hột nếp thơm lừng, đậu phụng nhai giòn giòn. Để cả tuần cũng hổng bốc mùi chua.


Ba vô nhà chị bắt cặp gà, cặp vịt gửi hồi tháng Tám về làm thịt cúng ông bà. Gà vịt nuôi trong vườn, mổ thóc, ăn cỏ, uống nước ao, thịt săn, đùi chắc, không có mỡ. Ba làm hai con, một con lấy lòng nấu canh, con kia đem luộc, để bộ lòng một bên, thêm tí muối, cặp cua, hột (vịt), tợ (thịt mỡ) trang trọng để giữa bàn thờ. Dưới bếp, bầy con chộn rộn, mỗi đứa một tay làm gà, vịt, lặt rau, ướp thịt, giã... Tôi với anh Minh nhỏ nhất nhà, chỉ làm chuyện lặt vặt, tới khi múc xong đồ cúng bưng lên nhà trên cho ba sắp xếp.


Còn con vịt thì để hầm măng. Ra chợ, dặn mấy bà hàng quen chọn cho mớ măng ngon nhất. Ngâm chừng một đêm, xả nước, bóp cho sạch phẩm màu còn sót lại, sau đó ngâm thêm nước nữa, rửa sạch. Chất măng bên dưới, thịt vịt chặt nhỏ bên trên. Trứng vịt luộc chín, lột vỏ bỏ thêm vô. Nêm gia vị đủ đầy, để lửa riu riu, hầm từ sáng tới tối. Thịt vịt ra mỡ, thấm hết vào trứng và măng. Càng hầm, măng càng thấm và mềm. Ngon kinh khủng.

 
Anh Phú thì làm món thịt thưng. Miếng thịt ba chỉ ướp gia vị chừng một tiếng cho thấm, rồi anh bắt chảo mỡ, phi tỏi thơm, cho thịt vào, đổ thêm nước dừa, để lửa thiệt nhỏ, thưng từ từ cho mỡ chảy ra, gia vị thấm sâu vào bên trong thịt. Một tiếng sau, miếng thịt trong ngần, nước keo lại, thơm một góc nhà. Nhắc chảo xuống, để nguội, lấy dao xắt mỏng, sắp vô đĩa, múc nước thịt rưới lên.


Khổ qua xào trứng là món dễ làm. Món này chị Hằng xào. Chị Hòa thì xắt nhỏ lòng gà, tao sơ với nước mắm để nấu canh. Bún tàu (miến), nấm mèo cắt đôi, ngâm nước lạnh cho mềm, vớt ra bỏ vô chén. Bắt nước chờ sôi là đổ lòng gà vô trước rồi nấm mèo và bún Tàu kế tiếp, nêm xong nhắc xuống liền chứ không bún rục. Bún tàu hút nước mau nở, nên canh phải nhiều nước và nấu sau cùng.


Anh Thành làm vịt, một nửa ướp chao, nửa kia ướp ngũ vị hương đem nướng. Vịt Ninh Hòa thịt mềm và ngọt. Chị Hoàng nấu cơm, bới lưng chén. Quay qua rửa rổ rau, xắt ít dưa leo, khế chua, giã mắm ớt tỏi, múc vô chén nhỏ. Xong cái nào, tôi với anh Minh bưng lên nhà trên để ba sắp. Ba chất thức ăn lên bàn thờ ông bà, ông táo, nơi thờ những anh chị em đã mất khi còn trong bụng, chưa kịp chào đời, chẳng tên, không tuổi hay những người mất hồi còn nhỏ không có hình ảnh để thờ và các bác ngoài sân. Rồi ba thắp nhang, thành tâm khấn mời ông bà, cô bác, con cháu hai họ về ăn với gia đình bữa cơm, phù hộ độ trì cả nhà tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, chuyện dữ đem đi chyện lành đem tới. Tôi đứng trong kẹt cửa, dỏng tai nghe hết không sót lời nào. Để rồi tới tận bây giờ, mỗi khi cúng kiếng, lại vái y chang như ba ngày trước. Giữa mùi nhang trầm thơm ngát, tự nhiên thấy bùi ngùi, những vất vả, buồn đau của năm cũ trôi qua hết, chỉ còn niềm thành kính vô bờ, tâm linh hướng về ông bà, tổ tiên, mong cho năm mới an lành, may mắn.


Nhang tàn, ba chắp tay vái xin dọn đồ xuống để con cháu hưởng lộc ông bà. Những món ăn phảng phất “mùi nhang”, mỗi năm chỉ được ăn vào dịp tất niên hay giỗ quảy nên lúc nào cũng thấy ngon và lạ miệng. Cảm giác sum vầy, êm ấm của mọi người trong nhà, giữa buổi chiều cuối năm se lạnh làm cho món ăn thêm phần hoài nhớ.


3. Sống đời miên viễn, bữa cơm nhà là một món hàng xa xỉ. Đi làm về, nấu vội bữa cơm, bới một tô phòng ai nấy ở, máy (tính) ai nấy xài, thế giới ai nấy sống, hay những khi vác ba lô lang thang, ăn quán, ngủ đường, cùng trời cuối đất, bỗng buộc miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh má ba tháng năm nghèo khổ, để mười mấy người chia nhau từng chút canh bún lòng gà, đĩa khổ qua xào trứng hay miếng thịt vịt hầm măng giữa chiều cuối năm mà lòng ấm hẳn. Chỉ một lần thôi, sẽ không tiếc nuối, viển vông gì nữa hết.


Rồi lại thèm nghe tiếng ai đó trầm ngâm trong điện thoại. Nửa đề nghị lẫn trách hờn, xót cả lòng, nao cả dạ.


- Cuối năm rồi, về ăn Tết nhen bây!


Nguyễn Hữu Tài