11:01, 29/01/2017

Tiếng gà gáy giữa đảo xa…

Thân qua, Dậu đến, lại nói chuyện con gà con kê. Bắt đầu từ chuyện dì Năm ở cùng phố. Ngày dì ở quê lên mở hàng bán xôi sáng, cùng với lỉnh kỉnh chõ xôi, đĩa thìa bát đũa có thêm một chú gà trống thật đẹp để…

Thân qua, Dậu đến, lại nói chuyện con gà con kê. Bắt đầu từ chuyện dì Năm ở cùng phố. Ngày dì ở quê lên mở hàng bán xôi sáng, cùng với lỉnh kỉnh chõ xôi, đĩa thìa bát đũa có thêm một chú gà trống thật đẹp để… nuôi. Vâng, nuôi chứ không thịt làm món xôi gà, bởi như dì nói: Ở quê, sáng nghe tiếng gà gáy là dậy nhóm lửa, xóc nếp, đưa vào chõ, rồi soạn mươn, chõng… Qua hai lần gà trở canh, vừa khi xôi chín cũng là lúc đón khách ghé ăn sáng, rồi người ra đồng, kẻ lên phố với công việc của mình.


Tới khi lên phố, thoạt đầu vợ chồng con gái ngại hàng xóm bị tiếng gà gáy làm phiền nên mua cho dì cái đồng hồ báo thức rồi bảo dì thôi không nuôi gà. Dì buồn lắm, nhưng chiều lòng vợ chồng con gái nên dì nhờ con rể đem con gà gửi nhà bạn ở ngoại thành. Nhưng chỉ mấy hôm, dù vẫn thức đúng với giờ vặn trên đồng hồ, nhưng dì thức trong thẫn thờ.

 

“Chị dậu” trên thềm đảo Đá Thị
“Chị dậu” trên thềm đảo Đá Thị


Thấy mẹ vợ có vẻ không vui, con rể gặng hỏi, mới hay dì nhớ… gà. Chính xác là dì nhớ tiếng gà thân quen từ quê. Một ngữ thanh mà cái thứ reng reng, tút tút khô khốc của kim khí qua chiếc đồng hồ báo thức không thể nào thay thế. Thương mẹ, con rể thành ý sang thưa chuyện với hai hộ gia đình kế cận, rồi ra nhà bạn ngoại thành “rước” chú gà trống về.


 Kể từ ngày ngữ thanh ò ó ó trở lại, dì Năm như lấy lại sinh khí tự nhiên. Vẫn thức khuya dậy sớm, nhưng dì vui hẳn, dẫu khách đông, tay đơm tay gói… Càng vui hơn khi thưởng thức món xôi sáng săn, dẻo từng hạt, lại nhìn gương mặt tươi tắn phúc hậu của dì, mấy anh chị hàng xóm không những không tỏ ý phiền lòng vì tiếng gà… dì Năm, mà còn bảo, nghe tiếng gà cứ như được sống ở quê vậy…

 

Gà trên đường “làng” đảo Song Tử Tây
Gà trên đường “làng” đảo Song Tử Tây


Dông dài chuyện dì Năm cũng để dẫn ra chuyện tiếng gà ở quần đảo Trường  Sa.


Cũng như trong bờ, các làng đảo, từ đảo chìm, đảo nổi trên khắp quần đảo Trường Sa, đảo nào cũng có đủ cây trồng, vật nuôi. Rộng như đảo nổi, có chút vườn cây, thảm cỏ thì đủ bò, heo, chó, gà, ngan, ngỗng. Hẹp như đảo chìm, dẫu không có điều kiện để đủ bộ gia cầm lục súc thì chí ít cũng có mấy mạ gà lớn nhỏ… vừa để một đôi tuần có thêm bữa tươi giàu đạm, vừa để ngày ngày nghe tiếng cục ta cục tác của chị dậu rời ổ trứng, tiếng anh dậu vỗ cánh khởi xuất ngữ thanh ò ó o gọi mặt trời.


Nhớ lần đầu ra ở cùng các chiến sĩ trên khắp quần đảo Trường Sa, vì muốn có những tấm ảnh bình minh ở nơi đón mặt trời sớm hơn đất liền, tôi nhờ các chiến sĩ canh thời gian trực gác để thức kịp ôm máy ảnh ghi hình mặt trời lên. Nghe vậy, anh chàng chỉ huy khẩu đội hỏa lực tên Quang tủm tỉm rằng: Nhà báo yên tâm, việc báo thức đã có anh gà trống của đảo lo rồi! Mà thật vậy, dẫu giấc ngủ chìm sâu sau một hải trình dài trên sóng nước, tôi cũng đã bất chợt thức theo lảnh lót tiếng gà báo sáng rồi ôm máy ra bờ đảo, kịp nhờ các chiến sĩ làm tiền cảnh để bấm mấy kiểu hình cảnh mặt trời nhú lên nơi hừng đông mặt biển. Xong cuộc, lại thêm tiếng gà dục dồn chuyển canh. Khẩu đội trưởng Quang sau khi nhắc việc cho chiến sĩ gác, nán lại thủ thỉ: Ở quê trong đất liền, nghe tiếng gà gáy thấy bình thường, không mấy ấn tượng. Nhưng ra đảo hơn năm, nghe tiếng gà gáy nó khác hẳn. Tiếc là tụi cháu không phải là nhà báo, nhà văn để tả cho đúng cái khác hẳn của tiếng gà đó, nhưng chắc chắn nó gợi cảm giác như mình đang sống trong lòng làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên. Không hẳn là cảm giác, mà hơn thế, từ tiếng gà báo sáng ở nơi đầu sóng, nghe như thể ngửi thấy mùi rám trấu, lửa rơm bếp sớm; có thể nghe từng tiếng loong coong từ chiếc gáo chạm vào thành lu nước; nhìn thấy từng chiếc lá đầu ngọn tre đung đưa trên nền hồng hừng đông; có thể chạm vào cái sừng trâu đang gõ vào thanh chắn cửa chuồng… Đại loại, tụi cháu cứ gọi nôm na đó là tiếng quê…


 Nghe tâm sự của Quang mà cảm đến nao lòng. Thì ra tiếng gà gáy được cảm nhận và biểu đạt một cách đầy đủ bằng một góc nhìn giàu hình ảnh chân quê của người xa quê. Để rồi ngày trở về chuyến ra đảo lần đó và những lần sau, tôi như ngấm nguyên ngữ thanh tiếng gà Trường Sa. Cũng như trong bờ, tiếng gà chân quê không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt Nam ngàn đời cứ níu lòng người với ký ức làng… Còn nơi đảo xa, giữa mênh mang sóng nước, tiếng chanh choác báo hiệu thêm một quả trứng vào ổ của chị gà mái mơ bên góc nhà đảo ban trưa; tiếng ò ó o của chú gà trống từ trên chạc cây phong ba đầu đảo gọi mặt trời… gời gợi một tiếng quê.


Vâng, Thân qua, Dậu đến, dông dài câu chuyện Xuân Đinh Dậu xin được góp một tiếng… gà - tiếng quê từ Trường Sa.


Lê Bá Dương