10:12, 06/12/2021

Tầm soát để phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ thực hành phòng, chống bệnh ung thư vú ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Kết quả có 63,1% đối tượng nghiên cứu có kiến thức và thái độ tích cực trong phòng bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, với đối tượng nghiên cứu là lao động nghèo, chỉ 33% có kiến thức về ung thư vú đạt yêu cầu.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ thực hành phòng, chống bệnh ung thư vú ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Kết quả có 63,1% đối tượng nghiên cứu có kiến thức và thái độ tích cực trong phòng bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, với đối tượng nghiên cứu là lao động nghèo, chỉ 33% có kiến thức về ung thư vú đạt yêu cầu.


Ung thư vú là căn bệnh thường gặp nhất đối với phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều chị em không biết nên đến khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, khả năng điều trị thành công không cao. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ trên 45 tuổi, những phụ nữ không sinh con, phụ nữ sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30. Những phụ nữ trong gia đình có bà, mẹ hay chị em gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú thường do di truyền từ 2 gen là BRCA1 và BRCA2, khi có gen này đột biến có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh. Những phụ nữ từng bị ung thư buồng trứng, ung thư vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ cao bị ung thư vú. Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ do cơ thể phụ nữ sẽ sản xuất ra nhiều estrogen hơn. Những người có lối sống lười vận động, chế độ ăn uống nhiều calo, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, căng thẳng kéo dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

 

Tầm soát sớm để phát hiện ung thư vú. Ảnh minh họa

Tầm soát sớm để phát hiện ung thư vú. Ảnh minh họa


Đối với nhiều phụ nữ, cảm thấy có khối u trong vú là những triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư vú. Khối u thường gây đau đớn, vì vậy, chị em cần tự kiểm tra vú thường xuyên để có thể phát hiện sớm khi có các u cục bất thường. Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết: “Khi phát hiện vú có khối u, bệnh nhân không nên lo sợ bởi đó có thể là khối u do viêm tuyến vú hoặc u mỡ tuyến vú. Người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra nguyên nhân gây khối u ở vú”. Trường hợp đau tức ngực, tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bị đau trong cả những ngày bình thường và cơn đau dai dẳng, tăng nặng hơn khi đến chu kỳ kinh nguyệt thì nên đi siêu âm vú để kiểm tra tuyến vú của mình.

 
Phụ nữ nên quan sát màu sắc của vú, bởi các thay đổi ở da vú như da tấy đỏ, thay đổi độ dày của da cũng là những dấu hiệu cảnh báo. Một trong những dấu hiệu của bệnh là núm vú thay đổi bất thường, có trường hợp thụt vào bên trong, núm vú dẹt hơn bình thường, phần da núm vú nhăn nheo, sần sùi, có vảy khô. Trong trường hợp bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng, núm vú có thể tiết dịch, có khi kèm lẫn máu. Nhiều trường hợp có triệu chứng đau vai, gáy do khối u tăng dần kích thước, đẩy ngược về phía xương sống và xương sườn làm người bệnh bị đau lưng, gáy, vai… Một dấu hiệu quan trọng là hạch bạch huyết tuyến vú đưa đến nách làm cho hạch nách sưng to, vì vậy, khi phát hiện khối u dưới nách không rõ nguyên nhân, bệnh nhân phải kịp thời đến bệnh viện để thăm khám.


Để phát hiện sớm bệnh, những người có yếu tố nguy cơ cần tầm soát ung thư vú, đây là việc làm rất tốt để kiểm soát, bảo vệ sức khỏe bản thân. Thời gian khám sàng lọc là 6 tháng/lần; các xét nghiệm như: siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú được sàng lọc hàng năm. Đồng thời, để phòng ngừa bệnh, phụ nữ cần hạn chế ăn đồ mặn, các đồ ăn hun khói, đồ nướng, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ; không hút thuốc lá, không uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích; chế độ ăn bảo đảm những chất dinh dưỡng hợp lý, các thực phẩm tự nhiên nhiều vitamin; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, điều độ…


Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư vú có nhiều tiến bộ hơn so với trước. Tùy theo giai đoạn bệnh, kích thước khối u, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra kế hoạch, phương pháp điều trị ung thư vú thích hợp. Cụ thể: Phẫu thuật để loại bỏ khối u, tạo hình ngực cho người bệnh đảm bảo tính thẩm mỹ; xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư ngăn ngừa chúng phát triển và giảm nguy cơ tái phát; thực hiện hóa trị bằng thuốc để làm tế bào ung thư ngừng phát triển. Liệu pháp điều trị trúng đích, sử dụng các thuốc khác nhau nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh…


ĐẶNG HỒNG HOA