10:11, 11/11/2021

Trẻ đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19

Ngày 29-10-2021, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại Quyết định số 5002/QĐ BYT.

Ngày 29-10-2021, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại Quyết định số 5002/QĐ BYT.


Hướng dẫn mới phân chia trẻ tiêm chủng thành 4 nhóm gồm: Đủ điều kiện tiêm chủng; cần thận trọng tiêm chủng; trì hoãn; chống chỉ định. Theo đó, nhóm đủ điều kiện tiêm chủng là trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Cụ thể, trẻ không có tiền sử phản vệ với vắc xin khác đã tiêm hoặc các thành phần của vắc xin Covid-19; không mắc bệnh cấp tính, bệnh mãn tính tiến triển; không có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; không rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; không mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu…; nghe tim, phổi không có bất thường; không phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

 

Tập huấn cho cán bộ y tế về các quy định, quy trình tiêm chủng cho trẻ.

Tập huấn cho cán bộ y tế về các quy định, quy trình tiêm chủng cho trẻ.


Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, tức từ lớp 7 đến lớp 12. Công tác tiêm chủng sẽ triển khai từ đầu tháng 11 trên cả nước, tiêm cho nhóm 16-17 tuổi trước, hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. Trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng. Vắc xin được sử dụng tiêm là vắc xin Pfizer dành cho trẻ. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3-4 tuần (21-28 ngày). Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng, phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm.


Vắc xin Pfizer đã có khoảng 30 nước trên thế giới tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Ngày 23-10-2021, Mỹ đã công nhận vắc xin Pfizer đáp ứng tiêu chuẩn cho trẻ từ 5-11 tuổi, có thể sẽ cấp phép cho lứa tuổi này trong thời gian đến. Còn vắc xin Moderna đã được phê duyệt cho trẻ từ 12-17 tuổi tại châu Âu. Ngày 14-10-2021,  Bộ Y tế cho phép tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên toàn quốc thực hiện tiêm cho trẻ em.


Các chuyên gia cho biết, dữ liệu cho thấy vắc xin an toàn. Theo dự báo, nếu chỉ có chủng vi rút Delta lưu hành, không phát hiện biến thể mới, vắc xin trẻ em sẽ giúp giảm số ca nhiễm nhưng không tác động quá nhiều đến tình hình tổng thể; song nếu biến thể mới xuất hiện vào khoảng giữa tháng 11-2021, tiêm chủng cho trẻ em sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với diễn biến của đại dịch.


Theo Tổ chức Y tế thế giới, thanh thiếu niên và trẻ em mắc bệnh nền có nguy cơ mắc Covid-19 nặng và cao hơn, do đó nhóm này nên được đề nghị tiêm chủng. Trong Chiến lược tiêm chủng toàn cầu thì trẻ em từ 12-17 tuổi trở lên cũng là nhóm cần phải đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70%, qua đó giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, phản ứng phụ sau tiêm ở trẻ tương tự như ở người lớn là có đau đầu, đau khớp, đau cơ; sau tiêm mũi 2 số lượng phản ứng ghi nhận được nhiều hơn. Có 1/100 trẻ có phản ứng nôn sau tiêm; 1/1.000 trẻ có nổi hạch; 1/1.000-1/10.000 trẻ gặp phản ứng liệt mặt, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Các phản ứng này gặp ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, tuy nhiên những phản ứng này rất hiếm gặp. Vắc xin có thành phần mNRA của vi rút hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gene và ảnh hưởng về lâu dài như ung thư, rối loạn vô sinh như một số phụ huynh lo lắng. Sau tiêm vắc xin trong vòng 3 ngày, các cháu nên hạn chế vận động mạnh như tham gia chơi thể thao cường độ cao.


Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Đối với nhóm chống chỉ định là những trẻ có điểm bất thường và có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Ở nhóm trì hoãn tiêm chủng: Khi trẻ mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển. Ở nhóm thận trọng khi tiêm chủng: Trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Nhóm trẻ cần chuyển đến bệnh viện khám sàng lọc gồm: mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu… Các chuyên gia lưu ý, sau tiêm trẻ mệt, nhịp tim nhanh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để xử trí.


Quế Lâm