11:11, 29/11/2021

Gần 85% người nhiễm mới HIV là nam giới

Năm 2021 đánh dấu 40 năm kể từ khi 5 trường hợp đầu tiên trên thế giới được báo cáo chính thức bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (sau này được gọi là AIDS).  Theo UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS), tính đến năm 2020, số người nhiễm HIV trên thế giới khoảng 37,7 triệu người, trong đó có khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.

Năm 2021 đánh dấu 40 năm kể từ khi 5 trường hợp đầu tiên trên thế giới được báo cáo chính thức bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (sau này được gọi là AIDS).  Theo UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS), tính đến năm 2020, số người nhiễm HIV trên thế giới khoảng 37,7 triệu người, trong đó có khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.


Trong năm 2020, cả thế giới phát hiện mới 1,5 triệu người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 150.000 trẻ em; có khoảng 680.000 người nhiễm HIV tử vong. Gánh nặng của dịch HIV tiếp tục thay đổi đáng kể giữa các quốc gia và khu vực. Khu vực châu Phi vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, cứ 25 người trưởng thành thì có gần 1 người nhiễm HIV và chiếm hơn 2/3 số người nhiễm HIV trên toàn thế giới.

 

Tư vấn cho người nghi nhiễm HIV tại Nha Trang. Ảnh: T.Ly

Tư vấn cho người nghi nhiễm HIV tại Nha Trang. Ảnh: T.Ly


Nhóm nhiễm HIV nhiều nhất năm 2020, chiếm 65% số ca nhiễm HIV trên toàn cầu là người bán dâm và khách hàng của họ, những người nam quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và bạn tình của họ. Cũng theo UNAIDS, nguy cơ nhiễm HIV ở những người tiêm chích ma túy cao hơn 35 lần; đối với phụ nữ chuyển giới cao hơn 34 lần; đối với người bán dâm cao gấp 26 lần, cao hơn 25 lần ở nhóm đồng tính nam và nam quan hệ tình dục đồng giới so với người dân nói chung.


Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV đang còn sống đến thời điểm ngày 30-9-2021 là 212.769 trường hợp. Trong 10 tháng năm 2021, cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp mới nhiễm HIV, trong đó có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 16 đến 29 (chiếm 46%) và 30 - 39 (chiếm 29%); đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 79,1%) và qua đường máu (chiếm 9,9%). Cũng từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp mới nhiễm HIV và 2.000 trường hợp tử vong. Như vậy, so với năm 2020, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng gia tăng.


Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng, từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình tại 8 tỉnh, thành phố là 6,7%; năm 2017, triển khai giám sát trọng điểm tại 9 tỉnh, thành phố, tỷ lệ nhiễm trung bình 12,2%; tỷ lệ này năm 2020 tăng lên 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.


Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 164 trường hợp nhiễm mới HIV, tăng 43 trường hợp so với năm 2020. Tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 1.351 trường hợp, nam giới chiếm tỷ lệ 84,3%, nữ giới 15,7%; nhóm tuổi 20-19 chiếm 56,4%, nhóm 13-19 tuổi chiếm 3,5%. Phân loại theo đối tượng nhiễm HIV, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm cao nhất với 49,4%; nhóm tiêm chích ma túy chiếm 5,8%; nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm chiếm 11%.


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hình thái lây nhiễm HIV của tỉnh vẫn là các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; đường lây truyền chủ yếu là đường tình dục. Bên cạnh đó, nguy cơ làm gia tăng ca nhiễm HIV còn tiềm ẩn, nhiều phức tạp do tình trạng nghiện ma túy gia tăng, trong khi các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhóm nguy cơ cao khó tiếp cận, các can thiệp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bị hạn chế khi đến với nhóm đối tượng này…


Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa)