11:04, 21/04/2021

Phát triển cây dược liệu: Cần chính sách hỗ trợ

Khánh Hòa được đánh giá là tỉnh có đa dạng sinh học cao với nhiều thực vật quý, hiếm làm dược liệu. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng này không chỉ bảo tồn mà cần có chính sách hỗ trợ để phát triển. 

Khánh Hòa được đánh giá là tỉnh có đa dạng sinh học cao với nhiều thực vật quý, hiếm làm dược liệu. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng này không chỉ bảo tồn mà cần có chính sách hỗ trợ để phát triển.  


Giàu tiềm năng


Theo tài liệu điều tra của Viện Sinh thái học, tổng số loài thực vật có tiềm năng dược liệu ở Khánh Hòa là 974 loài, thuộc 607 chi và 177 họ, chiếm 38,9% tổng số loài thực vật của tỉnh. Trong đó, 93 loài được cộng đồng sử dụng khá phổ biến như: Diệp hạ châu, sa nhân, kim thất, bá bệnh, nghệ, sâm lông, thần thông, mần ri, sâm bố chính… Bên cạnh đó, có những cây thuốc có giá trị cao như: Trầm hương, quế, ươi, ba gạc, giảo cổ lam, sâm cau, kim cang, tiết căn, bình vôi, lan kim tuyến… Kết quả điều tra cũng ghi nhận 49 loài cây thuốc quý, hiếm, trong đó 39 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007), 15 loài nằm trong Danh mục đỏ thế giới (năm 2018), 15 loài theo Nghị định 32 (năm 2006) và 1 loài theo Nghị định 160 (năm 2013) của Chính phủ về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Đáng chú ý, giảo cổ lam rất hiếm gặp và có nguy cơ tận diệt. Nhiều loài bị khai thác tràn lan như: Chuối cô đơn, yên bạch, mè tré bà, dương xuân sa, kim thất, bá bệnh, diệp hạ châu… Vì vậy, muốn phát huy tiềm năng cây dược liệu cần có giải pháp bảo tồn thích hợp; đồng thời biến chúng thành ngành sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.  

 

Thu hái cây bạc hà tại Công ty TNHH Nam Phú Khánh.

Thu hái cây bạc hà tại Công ty TNHH Nam Phú Khánh.


Lương y Từ Đình Hải - chủ nhà thuốc Hiệp Sanh Đường  (Hòn Rớ,  xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) nhìn nhận, tuy Khánh Hòa có nhiều cây thuốc quý như: Xáo tam phân, sa nhân, thiên niên kiện, nga truật… nhưng trong quá trình di thực từ vùng này sang vùng khác không phải lúc nào cây thuốc cũng đảm bảo được dược tính. Mặt khác, thu nhập từ trồng cây thuốc hiện nay còn thấp, chủ yếu bán ở dạng nhỏ lẻ nên nông dân chưa mặn mà. Nhiều dược liệu quý như: É trắng núi, ngù đèn… hiện nay không có hàng buộc các nhà thuốc phải mua từ các tỉnh phía Bắc. Kết quả là nguồn gen dược liệu tại chỗ không được phát huy, bệnh nhân phải tiêu tốn thêm khoản chi phí khám, chữa bệnh do nhập dược liệu từ nơi khác.


Cần nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ


Ông Nguyễn Ngọc Phú - Giám đốc Công ty TNHH Nam Phú Khánh cho rằng, tỉnh cần có chính sách đặc thù cho lĩnh vực này. Các doanh nghiệp rất quan tâm sản xuất dược liệu để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đất đai để mở rộng vùng sản xuất, hỗ trợ giống bảo tồn, nhất là các loài có nguy cơ, cần vốn đầu tư… Nhà nước cần định hướng phát triển cây dược liệu tại khu vực miền núi để vừa bảo tồn, định hình nguồn gen, vừa tạo hướng đi mới cho đồng bào miền núi. Công ty TNHH Nam Phú Khánh đang sản xuất tinh dầu bạc hà tại xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) nhưng thiếu đất để mở rộng sản xuất (hiện tại chỉ có 8ha). Trong khi đó, nhu cầu lên tới hàng ngàn héc-ta vì có nguồn tiêu thụ ổn định từ đối tác Nhật Bản và các thị trường khác.


Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2014 đến nay, công tác nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống và phát triển nhiều đối tượng cây bản địa quý, hiếm có tiềm năng dược liệu được triển khai tại một số đơn vị trong tỉnh như: Thông 2 lá dẹt, pơ mu, sâm ngọc linh, hoài sơn, sâm bố chính, xáo tam phân, cây sa nhân tím... 2 nhiệm vụ quan trọng về bảo tồn cây dược liệu được đề ra trong Đề án khung bảo tồn gen, giai đoạn 2021 - 2025 là: Điều tra, thu thập, bảo tồn 4 nguồn gen có giá trị kinh tế từ một số loài nấm từ ngành nấm Đảm (nấm lim nâu vân đen, nấm linh chi…) và điều tra, thu thập, bảo tồn 19 nguồn gen có giá trị kinh tế về dược liệu (chuối hột mồ côi, thổ phục linh, đẳng sâm, sa nhân tím, xáo tam phân, bá bệnh…). Tuy nhiên, việc phát huy tiềm năng dược liệu Khánh Hòa mới chỉ dừng lại ở công tác bảo tồn, chưa quan tâm việc phát huy thành ngành kinh tế.


Để phát huy giá trị cây thuốc, chuyển từ bảo tồn sang sản xuất, ứng dụng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và xuất khẩu, tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành dược liệu Khánh Hòa với những quan tâm về đất đai, giống, kỹ thuật, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, thu hút nông dân tham gia, nhất là nông dân miền núi… Đó là cách bảo tồn tốt nhất nguồn gen đối với Khánh Hòa.


V.L