10:01, 27/01/2021

Phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc 2 vạt xoay: Phương pháp điều trị hiệu quả

Sau 14 năm áp dụng phương pháp phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc 2 vạt xoay, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chữa khỏi hàng ngàn ca mắt bị mộng thịt. Đây là phương pháp do bác sĩ chuyên khoa I Lê Phú cùng các cộng sự trong khoa nghiên cứu.

Sau 14 năm áp dụng phương pháp phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc 2 vạt xoay, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã chữa khỏi hàng ngàn ca mắt bị mộng thịt. Đây là phương pháp do bác sĩ chuyên khoa I Lê Phú cùng các cộng sự trong khoa nghiên cứu.


Bệnh mộng thịt ở mắt là tình trạng trong mắt có một mảng màu trắng đục hoặc trắng hồng xuất phát từ góc mắt ra hoặc từ phía thái dương vào. Mộng thịt có thể lan đến che phủ giác mạc - con ngươi, làm ảnh hưởng đến thị lực như mờ, loạn thị, ở mức độ nặng có thể gây mù. Một số biểu hiện thường thấy: Đỏ mắt, ngứa, cộm mắt. Các triệu chứng này tăng lên khi người bệnh tiếp xúc với khói, bụi, gió. Mờ mắt, kích ứng mắt, nhìn kém nếu mộng thịt lan sâu vào giác mạc. Nguyên nhân gây bệnh mộng thịt ở mắt chưa được khẳng định rõ, nhưng bệnh thường gặp ở những người phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt, hiện nay vẫn chưa có thuốc làm thoái lui hoặc mất hẳn mộng thịt. Khi mộng thịt ở mắt phát triển, xâm lấn vào giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực thì phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt là phương pháp điều trị duy nhất.

 

Các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca mổ mộng thịt.

Các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca mổ mộng thịt.


Ông Lê Văn Liên (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) bị mộng thịt xâm lấn phần tròng đen cả 2 mắt. Tháng trước, ông đã phẫu thuật 1 mắt bằng phương pháp ghép kết mạc 2 vạt xoay. Kết quả sau phẫu thuật tốt nên ông tiếp tục trở lại khoa phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt ở mắt còn lại. Ông Liên chia sẻ: “Trước khi mổ, mắt tôi kèm nhèm, khó chịu. Sau khi mổ tôi thấy dễ chịu hẳn, mắt đã nhìn rõ. Mổ bằng phương pháp này không đau, thời gian phẫu thuật cũng nhanh”.


Trước đây, đối với bệnh mộng thịt ở mắt, Khoa Mắt BVĐK tỉnh sử dụng phương pháp phẫu thuật ghép vạt rời. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, trường hợp mộng thịt lớn khó áp dụng, dễ tái phát. Nhận thấy những nhược điểm nói trên, bác sĩ Lê Phú - Trưởng khoa Mắt, BVĐK tỉnh cùng các cộng sự trong khoa đã nghiên cứu, áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật ghép kết mạc 2 vạt xoay để điều trị bệnh mộng thịt. Phương pháp này đã đạt mục tiêu: An toàn, hiệu quả, thẩm mỹ và đặc biệt tỷ lệ tái phát rất thấp.

 

Hiện nay, y văn thế giới chưa có báo cáo nào về phương pháp ghép kết mạc 2 vạt xoay. Vì thế, có thể xem đây là phương pháp mới của Việt Nam và thế giới.

Bác sĩ Lê Phú cho biết, với phương pháp ghép kết mạc rời, bác sĩ sẽ lấy miếng kết mạc (là phần lòng trắng ở 1 vùng bên cạnh con mắt đó) ghép vào mộng thịt bị cắt bỏ; còn phương pháp ghép kết mạc 2 vạt xoay thì sử dụng 2 vạt phía trên và phía dưới ghép thay thế vào chỗ vừa cắt mộng thịt. Do đó, vạt rất lớn, tạo được hàng rào bảo đảm ngăn chặn sự tái phát của mộng thịt, vừa nuôi dưỡng mạch máu tốt, lành nhanh. Sau 2 tuần, mắt bệnh nhân trở lại bình thường. Đặc biệt, do sử dụng 2 vạt nên những trường hợp mộng thịt lớn được áp dụng dễ dàng. Ở những phương pháp mổ mộng thịt khác, thường dùng phân bào hoặc ghép màng ối chống hiện tượng tái phát. Điều này vừa tốn kém vừa có thể có những biến chứng lâu dài. Khoa Mắt, BVĐK tỉnh không sử dụng những phương pháp nói trên nên an toàn cho bệnh nhân”.


Trung bình mỗi năm, Khoa Mắt, BVĐK tỉnh mổ khoảng 500 ca mộng thịt, trong đó chỉ 2 - 3 ca bị tái phát. Đến nay, có hơn 7.000 ca được áp dụng phương pháp này. Với những ưu điểm do phương pháp này mang lại, những năm qua, Khoa Mắt BVĐK tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật nói trên cho một số tỉnh, thành khác.


C.Đan

 


 

Phương pháp phẫu thuật mộng thịt phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay là ghép vạt rời. Ở phương pháp này, tỷ lệ tái phát dao động 2 - 20%. Khi mổ, một số trường hợp có nguy cơ tái phát cần phải áp dụng thuốc chống phân bào nhằm tránh tái phát. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc chống phân bào có thể xảy ra biến chứng.