09:10, 18/10/2020

Nỗ lực ngăn ngừa nguy cơ dịch chồng dịch

Thời tiết thất thường trong những tháng gần đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng. Để ngăn ngừa nguy cơ dịch chồng dịch, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp. 

Thời tiết thất thường trong những tháng gần đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng. Để ngăn ngừa nguy cơ dịch chồng dịch, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp.  


Số ca bệnh tăng


Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 6.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), có 1 trường hợp tử vong; hơn 1.160 ca mắc tay chân miệng (TCM); 18 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi 16 trường hợp, 2 trường hợp đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm. Đáng báo động là kết quả giám sát các ca bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh cho thấy dịch bệnh SXH và TCM có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 và vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao.

 

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 7, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh ghi nhận dao động từ 150 đến 450 ca/tháng; đến tháng 8, số ca mắc tăng lên hơn 722 ca; tháng 9 là 1.660 ca; nửa đầu tháng 10 có gần 900 ca. Đối với bệnh TCM, từ tháng 4 đến tháng 7 ghi nhận từ 10 đến 85 ca mắc/tháng; đến tháng 8, số ca mắc tăng gấp gần 3 lần với 205 ca; tháng 9 tăng lên 369 ca; nửa đầu tháng 10 có 371 ca mắc.  


Theo ngành Y tế, nguyên nhân của việc gia tăng số ca mắc SXH là do thời gian gần đây nắng nóng kèm mưa, một số nơi gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt nên người dân thực hiện tích trữ, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi phát triển; chính quyền một số địa phương cấp xã chưa chủ động và quyết liệt trong công tác phòng dịch, dẫn tới chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường chưa đạt hiệu quả. Từ tháng 8, trẻ em đi học lại, các trường mầm non, nhất là tư thục, nhóm trẻ gia đình với điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, không có y tế học đường, giáo viên, người giữ trẻ chưa có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh TCM dẫn tới tình trạng lây nhiễm giữa các trẻ làm gia tăng số ca mắc. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch Covid-19 làm phân tán mỏng nguồn lực.


Triển khai nhiều giải pháp


Hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn ngừa nguy cơ dịch chồng dịch là vấn đề được ngành Y tế tỉnh chú trọng. Trong đó, công tác ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo giữa các bệnh truyền nhiễm sẽ gây khó khăn rất lớn cho công tác điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tử vong cho người bệnh. Đến nay, các bệnh viện (BV) trong tỉnh đều chủ động tăng cường khử khuẩn, sát khuẩn khoa phòng, hạn chế người thăm bệnh…


Là đơn vị tuyến đầu trong công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm, hơn 1 tháng nay, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, số lượng người dân đến khám, điều trị các bệnh SXH, TCM tăng cao gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Để ngăn ngừa nguy cơ dịch chồng dịch, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo, BV đã chủ động lên phương án bố trí khoa, phòng điều trị riêng biệt đối với từng loại bệnh; 100% người dân khi đến khám tại BV đều phải thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh. Đặc biệt, đối với dịch bệnh Covid-19, mặc dù không còn bệnh nhân điều trị, BV vẫn duy trì khu vực cách ly, có lối đi riêng, nhằm kịp thời tiếp nhận, xử lý các trường hợp nghi ngờ. Bác sĩ Trần Nam Quân - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Cùng với các giải pháp trên, BV chú trọng phát quang bụi rậm, thường xuyên phun khử khuẩn, kích hoạt chương trình chống lây nhiễm chéo. Nhân viên y tế được trang bị thêm các thiết bị bảo hộ để đảm bảo trong quá trình làm việc. Ngoài ra, thời điểm này, chúng tôi hạn chế người nhà bệnh nhân vào BV, thực hiện sàng lọc bệnh ngay từ đầu”.


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng dịch. Ngoài ra, trung tâm còn phân bổ khoảng 2 tấn Cloramin B khử khuẩn môi trường và hơn 1 tấn hóa chất diệt muỗi xuống các trung tâm y tế cấp huyện để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy, trong tuần qua, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 404 ca mắc SXH, giảm 16% so với tuần trước (481 ca).


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hàng tháng, chúng tôi đều có những hoạt động giám sát môi trường ở tất cả các địa phương trong tỉnh về công tác phòng dịch. Sau đó, chúng tôi lên danh sách những địa phương có số ca mắc, chỉ số muỗi và mật độ lăng quăng cao để có những chỉ đạo thực tế, trực tiếp”.


C.Đan