09:08, 26/08/2020

Tăng cường phòng, chống bệnh vi rút viêm gan B

Viêm gan B (VGB) là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm, thế giới có khoảng 1,45 triệu người tử vong do vi rút này gây ra. Con số này còn nhiều hơn cả tổng số người tử vong do mắc sốt rét, lao hay HIV/AIDS.

Viêm gan B (VGB) là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm, thế giới có khoảng 1,45 triệu người tử vong do vi rút này gây ra. Con số này còn nhiều hơn cả tổng số người tử vong do mắc sốt rét, lao hay HIV/AIDS.


Viêm gan B hay còn gọi viêm gan siêu vi B là bệnh do vi rút VGB (HBV) gây ra. Khi nhiễm và bị vi rút này tấn công, người bệnh sẽ bị nhiễm trùng gan nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện sớm, vi rút VGB liên tục tồn tại trong máu và chất dịch khác của cơ thể người bệnh, lâu dần trở thành mạn tính. Bệnh VGB mạn tính nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra bệnh xơ gan và ung thư gan.

 

Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ khi vừa chào đời.

Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ khi vừa chào đời.


Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, VGB mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: Thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là VGB thể ngủ) và VGB thể hoạt động. Ở “thể ngủ”, vi rút chỉ tạm thời không hoạt động, vẫn có thể bùng phát tái hoạt động bất cứ lúc nào, nhất là khi sức đề kháng kém. Nếu vi rút “ngủ yên”, chưa phá hủy tế bào gan, xét nghiệm men gan vẫn bình thường nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác qua đường máu hoặc đường tình dục. Do đó, dù không phải điều trị nhưng người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh và có biện pháp phòng, chống lây nhiễm vi rút VGB cho người khác. Khi vi rút ở thể hoạt động, gây ra tổn thương tế bào gan, người bệnh buộc phải điều trị tích cực theo phác đồ với thuốc nhằm kìm hãm sự phát triển của vi rút, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan. Hiện nay, VGB chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ điều trị chỉ có thể ngăn ngừa sự nhân lên của vi rút, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan. Chính vì vậy, người mắc viêm gan B thường phải tuân thủ thời gian điều trị kéo dài, thậm chí đến vài chục năm hoặc cả đời. Chi phí điều trị VGB khá cao.


VGB có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50 - 100 lần vi rút HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa. Cụ thể, nếu máu hoặc chất dịch của người mắc VGB xâm nhập cơ thể thông qua vết thương hở hoặc qua các vật dụng cá nhân của người bệnh (như: Kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, các dụng cụ xăm mình, xỏ khuyên...) thì rất dễ có nguy cơ nhiễm vi rút. Vi rút VGB sống rất dai, có khả năng sống trong máu khô nhiều ngày, khiến khả năng lây bệnh càng cao hơn. Vi rút VGB có thể lây qua sinh hoạt tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su đúng cách. Một trong những cách thức lây nhiễm phổ biến cần quan tâm là từ mẹ truyền sang con. Người mẹ khi mắc vi rút VGB mạn tính thì có đến 90% trẻ sinh ra có khả năng bị nhiễm trùng mạn tính do lây truyền từ người mẹ. Theo nghiên cứu, có đến 10% phụ nữ trên thế giới mang thai nhiễm phải loại vi rút này và mỗi năm có hơn 50.000 trẻ sơ sinh nhiễm vi rút VGB mạn tính ngay từ khi mới chào đời. Do nhiễm phải vi rút VGB mạn tính nên những đứa trẻ này cũng có thể truyền vi rút sang những người khác, khiến bệnh ngày càng lây lan rộng hơn.


Bác sĩ Đông lưu ý, vi rút VGB có khả năng lây lan cao trong điều kiện bình thường, có thể sống được 1 tháng và vẫn có khả năng lây nhiễm sang cho người khác. Chỉ có thể tiêu diệt được loại vi rút nguy hiểm này bằng cách đun sôi chúng ở nhiệt độ 1000C liên tục trong vòng 30 phút. Khả năng lây lan của VGB cao hơn rất nhiều do chính bản thân người mắc bệnh cũng không biết mình đang bị nhiễm vi rút.


Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để vi rút VGB. Hiện tại, tiêm vắc xin VGB là phương pháp tốt nhất để ngừa bệnh VGB và tránh lây nhiễm vi rút từ mẹ sang con với tỷ lệ hiệu quả lên đến 95%. Trong vòng 12 giờ sau khi sinh, cán bộ y tế sẽ tiêm liều vắc xin VGB đầu tiên. Sau khi sinh được 1 - 2 tháng, bé sẽ được tiêm vắc xin VGB liều thứ 2 và khi trẻ được 6 tháng sẽ tiêm liều thứ 3. Đối với người lớn thì làm xét nghiệm trước khi tiêm chủng ngừa, nếu chưa mắc bệnh thì cần tiêm 3 mũi.


Nếu phát hiện đã nhiễm vi rút VGB, nên thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh và điều trị sớm, tránh để lâu dễ gây biến chứng nguy hiểm và lây lan cho người khác.


Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)