11:07, 12/07/2020

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập và dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, ngành Y tế tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống.

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập và dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, ngành Y tế tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các bệnh truyền nhiễm đều có dấu hiệu chững lại và giảm, riêng số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng; đồng thời, trên thế giới, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Do đó, công tác phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh tập trung vào 2 dịch bệnh này.

 

Kiểm tra thân nhiệt người cách ly tại Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế.

Kiểm tra thân nhiệt người cách ly tại Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế.


Nhiều năm qua, Khánh Hòa luôn là địa phương có số ca mắc SXH cao trong cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, số ca mắc giảm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, số ca mắc SXH lại có dấu hiệu gia tăng so với những tháng trước và tăng đều ở cả 8 huyện, thị xã, thành phố. Nếu tháng 3 và 4, số ca mắc SXH dao động từ 20 đến 40 ca/tuần thì đến tháng 6, 7 tăng lên 60 - 75 ca. Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.140 ca. Đáng báo động là số ca mắc SXH nặng cũng gia tăng. Tâm lý chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tự ý sử dụng thuốc tại nhà đã khiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do những biến chứng của SXH. Đây cũng là thực trạng khiến dịch bệnh này diễn biến phức tạp hơn. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, nếu tháng 3 và 4 chỉ ghi nhận từ 2 đến 4 ca mắc bệnh SXH nặng/tháng, thì trong nửa đầu tháng 6, bệnh viện tiếp nhận đến 12 ca có dấu hiệu cảnh báo và nặng.


Bên cạnh SXH, dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 104 người từ nước ngoài trở về được cách ly, theo dõi sức khỏe.


Với diễn biến phức tạp của 2 dịch bệnh trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã chủ động vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh đồng bộ từ hệ dự phòng đến điều trị. Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện trước đó, những ngày này, tại Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, tất cả công dân từ nước ngoài trở về đều được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly, theo dõi sức khỏe ngay tại Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế được đặt ngay trong sân bay.


Ông Nguyễn Hoa Hội - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh cho biết: “Quy trình này nhằm đảm bảo dịch bệnh được kiểm soát tốt ngay từ bước đầu. Sau khi vào khu vực cách ly, những người này được đo thân nhiệt thường xuyên và được xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 hai lần. Lần đầu là khi mới vào khu cách ly và lần 2 trước khi hoàn thành thời gian cách ly 4 ngày. Nếu qua 2 lần xét nghiệm đều âm tính thì họ mới được đưa về địa phương. Ngoài ra, để chủ động phát hiện những trường hợp người dân có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, từ đó có hướng xử lý kịp thời, trung tâm còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đo thân nhiệt đối với những chuyến bay nội địa; đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra giám sát tại các cửa khẩu, cảng biển, đảm bảo không để xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép. Hiện tại, Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế đang giám sát, cách ly 29 trường hợp, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính”.


Theo ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông thường dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng cao từ tháng 8, đến tháng 11 sẽ là đỉnh dịch. Tuy nhiên, năm nay, giữa tháng 5, số ca mắc đã có dấu hiệu gia tăng. Để chủ động phòng dịch, bên cạnh việc phối hợp với hệ điều trị giám sát các ca bệnh, hệ dự phòng đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, chiến dịch diệt lăng quăng được triển khai ở tất cả những xã, phường trọng điểm trong toàn tỉnh. 2 tháng qua, có hơn 40 ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời; thực hiện diệt lăng quăng ở hơn 71.000 hộ gia đình; phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở 28 xã, phường có nguy cơ cao. Đồng thời, ngành Y tế đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp tại hộ gia đình…


Việc triển khai các giải pháp trên cho thấy sự chủ động của ngành Y tế tỉnh trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần nhất vẫn là sự chủ động phòng dịch của mỗi gia đình, mỗi người dân.


C.Đan