09:11, 18/11/2019

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Áp dụng giải pháp giảm gây nhiễm khuẩn vết mổ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa xây dựng các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ ở bệnh nhân phẫu thuật. Giải pháp này dựa trên kết quả đề tài khoa học của bệnh viện về đánh giá tỷ lệ, tác nhân và các yếu tố liên quan gây nhiễm khuẩn vết mổ.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa xây dựng các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ ở bệnh nhân (BN) phẫu thuật. Giải pháp này dựa trên kết quả đề tài khoa học của BV về đánh giá tỷ lệ, tác nhân và các yếu tố liên quan gây nhiễm khuẩn vết mổ.


Nghiên cứu về vấn đề nhiễm khuẩn


Thạc sĩ Dương Nữ Tường Vy - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BVĐK tỉnh cho biết, trước đây, định kỳ hàng năm, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV tổ chức khảo sát đánh giá chung tình hình nhiễm khuẩn BV, trong đó có nhiễm khuẩn vết mổ. Tuy nhiên, các khảo sát trên chỉ mang tính tổng quát, chưa đi sâu vào nghiên cứu tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ theo từng nhóm bệnh, từng nhóm nguy cơ, chưa đánh giá được các vi khuẩn gây nhiễm và tình hình sử dụng kháng sinh ở BN có nhiễm khuẩn vết mổ. Trong khi đó, nhiễm khuẩn vết mổ là một trong những loại nhiễm khuẩn thường gặp ở BV và là mối lo ngại nhất của các bác sĩ ngoại khoa. Nhiễm khuẩn vết mổ không thể hoàn toàn được loại bỏ nhưng có thể giảm tỷ lệ xuống mức thấp nhất, qua đó, hạn chế tỷ lệ biến chứng và tử vong, giảm chi phí cho BV và BN, giảm nguy cơ kháng thuốc của vi khuẩn và không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của BN có phẫu thuật. Từ sự thiết thực của vấn đề, khoa tiến hành đề tài nghiên cứu Đánh giá tỷ lệ, tác nhân và các yếu tố liên quan gây nhiễm khuẩn vết mổ trên 920 BN có phẫu thuật. Trong đó, BN phẫu thuật về chấn thương chiếm 44,8%, phẫu thuật tiêu hóa chiếm 21,8%, phẫu thuật tiết niệu 19,6%, phẫu thuật thần kinh sọ não 5,1%, phẫu thuật mạch máu - lồng ngực 4,7% và phẫu thuật cột sống 4%.

 

Thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Kết quả nghiên cứu phát hiện có 62 trường hợp BN bị nhiễm khuẩn vết mổ (chiếm 6,7%). Những người có yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn phẫu thuật cao gồm: người bị đa chấn thương, vết thương giập nát; người mắc bệnh tiểu đường, nghiện thuốc lá, bị suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, người bệnh béo phì hoặc suy dinh dưỡng; người bệnh nằm lâu trong bệnh viện trước mổ. Việc vệ sinh tay không đúng kỹ thuật, không dùng hóa chất khử khuẩn, điều kiện khu phẫu thuật, dụng cụ y tế không đảm bảo vô khuẩn; nhân viên tham gia phẫu thuật không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn trong buồng phẫu thuật… cũng góp phần tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Ngoài ra, phẫu thuật cấp cứu; thời gian phẫu thuật càng dài có nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn các loại phẫu thuật khác.


Đưa ra giải pháp phù hợp


Kết quả của đề tài cũng đã xác định các tác nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ. Theo đó, vi khuẩn Acinetobacter spp chiếm tỷ lệ cao nhất với 29,3%, tiếp đến là vi khuẩn Staphylococcus aureus với tỷ lệ 27,2% và thấp nhất là Pseudomonas spp với tỷ lệ 8,8%. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng góp phần đáng kể giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn ở BN. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rất ít trường hợp BN phẫu thuật được chỉ định dùng kháng sinh dự phòng, chỉ có 3,1% trường hợp được sử dụng và không ghi nhận ca nhiễm khuẩn vết mổ nào ở những trường hợp này.


Bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Dựa trên kết quả nghiên cứu, từ đầu năm đến nay, BV đã triển khai các giải pháp can thiệp phù hợp. Cụ thể, xây dựng lại phác đồ và đưa ra quy trình sử dụng kháng sinh dự phòng, kháng sinh điều trị thống nhất trong toàn BV nhằm hạn chế nhiễm khuẩn vết mổ và đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm; bổ sung và hoàn thiện các quy trình vệ sinh BN trước phẫu thuật, vệ sinh tay ngoại khoa, giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng mổ. Đồng thời, tiến hành giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường trong khu vực phẫu thuật, chăm sóc BN sau phẫu thuật… Sau can thiệp, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở BV đã giảm đáng kể”.


Nghiên cứu trên góp phần giúp BVĐK tỉnh nói riêng và các BV trong tỉnh nói chung kịp thời đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn tại đơn vị. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng điều trị, an toàn người bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội.


C.Đan