10:07, 04/07/2019

Nỗ lực khống chế bệnh sởi

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 675 ca phát ban dạng sởi, trong đó có 328 ca dương tính với vi rút sởi, tăng gần gấp 10 lần so với 5 năm trước. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh đang triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh sởi.

 

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 675 ca phát ban dạng sởi, trong đó có 328 ca dương tính với vi rút sởi, tăng gần gấp 10 lần so với 5 năm trước. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh đang triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh sởi.

Số ca mắc bệnh tăng


Thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, trong tháng 4 và 5, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân mắc các phát ban dạng sởi. Đáng lo ngại, phần lớn các trường hợp mắc sởi đều là bệnh nhi dưới 5 tuổi, chưa được tiêm phòng bệnh, hoặc có tiêm nhưng không đầy đủ các mũi theo quy định. Chị Nguyễn Ngọc Linh (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) có con đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Cháu được 20 tháng tuổi, gia đình cũng có đưa cháu đi tiêm chủng nhưng không đủ các mũi. Đầu năm, phường có triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi, nhưng do tôi nghĩ bệnh sởi cũng bình thường nên chủ quan không đưa cháu đi tiêm”.

 

Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang.

Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh sởi đã xuất hiện ở 7/8 huyện, thị xã, thành phố. Địa phương có số ca mắc cao nhất là TP. Nha Trang với gần 330 ca, chiếm hơn 1/2 số ca mắc toàn tỉnh. Trong tổng số ca mắc sởi, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 53,7%, trong đó có 19,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi - chưa đủ tuổi tiêm vắc xin phòng sởi. Năm nay, bệnh sởi không chỉ tập trung ở trẻ em mà có cả người lớn. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên mắc bệnh sởi chiếm 31,7%, trong đó, trên 35 tuổi chiếm 5,5%. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào có biến chứng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.


Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh


Theo ông Huỳnh Trọng Tân - thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh, mỗi năm ở tỉnh có khoảng 19.000 trẻ dưới 1 tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chiếm hơn 95%, còn dưới 5% trẻ không được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Như vậy, số lượng trẻ tích lũy trong các năm có nguy cơ mắc bệnh sởi và mắc các bệnh chưa tiêm chủng tương đối lớn. Những đối tượng này khi mắc bệnh sẽ có nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Năm nay, trong tổng số ca mắc bệnh sởi, hơn 30% bệnh nhân chưa được tiêm chủng. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm của phụ huynh trong vấn đề tuân thủ lịch tiêm chủng, cũng như ảnh hưởng của xu hướng kháng vắc xin trong những năm qua.


Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bệnh. Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao khả năng phát hiện, phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi nói riêng cho cơ sở y tế các cấp; đẩy mạnh việc giám sát các ca bệnh tại các bệnh viện, phòng khám; tiến hành xử lý kịp thời các ổ dịch, không để bùng phát thành dịch lớn. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, trung tâm đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubela cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi trên toàn tỉnh. Có hơn 72.650 trẻ đã được tiêm chủng, chiếm tỷ lệ 96,12%. Với những nỗ lực khống chế, dập dịch của ngành Y tế, trong tháng 6, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chững lại và giảm 13% so với tháng 5.


Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để phòng bệnh sởi hiệu quả, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Những người trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm phòng sởi - rubela ít nhất trước 3 tháng khi có ý định mang thai, nhằm tăng miễn dịch phòng bệnh sởi cho trẻ trong những tháng đầu đời.

 
C.ĐAN