11:08, 22/08/2018

Trợ giúp bệnh nhân lao kháng thuốc

Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới và Cục Bảo trợ xã hội chọn Khánh Hòa triển khai thí điểm mô hình "Trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao kháng thuốc tại cộng đồng", qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, cải thiện về sức khỏe. Từ hiệu quả đó, các đơn vị tiếp tục triển khai mô hình này đến năm 2020.

Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới và Cục Bảo trợ xã hội chọn Khánh Hòa triển khai thí điểm mô hình “Trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao kháng thuốc tại cộng đồng”, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, cải thiện về sức khỏe. Từ hiệu quả đó, các đơn vị tiếp tục triển khai mô hình này đến năm 2020.


Hiệu quả từ mô hình thí điểm


Bà N.T.B (phường Vĩnh Hải, TP. Trang) thuộc hộ gia đình khó khăn. Bị mắc bệnh lao gần 3 năm qua nhưng bà không có thẻ bảo hiểm y tế nên việc điều trị bệnh bị ngắt quãng. Chính vì thế, bệnh của bà chuyển qua giai đoạn kháng thuốc. Thấy được hoàn cảnh của bà, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã đưa bà vào diện trợ giúp xã hội bệnh nhân lao kháng thuốc tại cộng đồng. Các nhân viên công tác xã hội phối hợp với nhân viên y tế trực tiếp tư vấn bệnh tình, tâm lý. Đồng thời, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, vận động bà B. đi điều trị bệnh theo phác đồ; hỗ trợ kinh phí cho bà trong thời gian điều trị, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh nơi ăn ở... Nhờ sự trợ giúp, theo dõi, điều trị bệnh liên tục, bệnh tình của bà B. dần được cải thiện. Bà và các thành viên trong gia đình có ý thức hơn trong việc phòng ngừa sự lây lan bệnh lao sang người khác.

 

Đại diện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trao quà  cho thân nhân bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trao quà cho thân nhân bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh.


Ông T.P (phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa) cũng là một bệnh nhân lao kháng thuốc nhưng không có tiền để điều trị bệnh. Sau hơn 1 năm nhận được sự hỗ trợ từ mô hình trợ giúp xã hội cho bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh tình, sức khỏe của ông có chuyển biến rõ rệt. Thông qua mô hình, không chỉ đươc hỗ trợ về chi phí điều trị bệnh, ông còn được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tư vấn tâm lý, nâng cao hiểu biết về bệnh lao…


Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và Cục Bảo trợ xã hội hỗ trợ gần 200 triệu đồng triển khai thí điểm “Mô hình trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao kháng thuốc tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh”. Nhân viên công tác xã hội đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế địa phương trực tiếp đến từng nhà bệnh nhân để thăm khám, tư vấn tâm lý, hỗ trợ, vận động điều trị bệnh. Qua 2 năm (2016 và 2017), 107 bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình nâng cao nhận thức phòng và điều trị bệnh. Nhờ đó, tình trạng bệnh và sức khỏe bệnh nhân có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn vận động, trao quà, hỗ trợ cho con em và thân nhân bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh.



Tiếp tục triển khai trợ giúp


Qua khảo sát, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.042 người bị bệnh lao phổi đang được quản lý, trong đó có hơn 100 người bị bệnh lao kháng thuốc và hơn 150 người bị bệnh lao có nguy cơ kháng thuốc cần phải quan tâm điều trị, quản lý và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh lây lan trong cộng đồng. Người mắc bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị kéo dài nên đa số cuộc sống của họ và gia đình hết sức khó khăn, thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo của địa phương nên rất cần được trợ giúp xã hội để vượt qua khó khăn. Qua đánh giá hiệu quả từ mô hình thí điểm, Tổ chức Y tế thế giới và Cục Bảo trợ xã hội đã quyết định tiếp tục triển khai mô hình trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.


Mô hình được triển khai tại 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh và Cam Lâm. Hiện nay, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện đã thành lập ban điều phối mô hình. Riêng trong năm 2018, từ nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng sẽ tập trung tư vấn cho khoảng 300 ca bệnh; cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho bệnh nhân lao về: dinh dưỡng 150 người, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 40 người, hỗ trợ sinh kế cho 50 người. Bên cạnh đó, mô hình tập trung tư vấn tuân thủ điều trị, trao đổi thông tin giúp bệnh nhân an tâm điều trị bệnh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống bệnh lao, nhất là những người có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu số người mắc bệnh lao.


VĂN GIANG