11:07, 30/07/2017

Tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện xu hướng bài trừ tiêm vắc xin, khiến nhiều người hoang mang. 

Gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện xu hướng bài trừ tiêm vắc xin, khiến nhiều người hoang mang. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết:


- Vắc xin là kháng nguyên, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Những thành tựu quan trọng của vắc xin và tiêm chủng trên thế giới đã được minh chứng qua các con số: bệnh đậu mùa từng giết chết 2 triệu người mỗi năm đã được quét sạch vào năm 1979 sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu; số ca mắc bệnh bại liệt giảm từ 300.000 ca/năm (giai đoạn trước năm 1980) xuống còn 358 trường hợp năm 2014; số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 2,6 triệu ca/năm xuống còn 122.000 ca; số ca tử vong liên quan đến ho gà giảm từ 1,3 triệu ca/năm xuống còn 63.000 ca; 2/3 các nước đang phát triển loại trừ được uốn ván sơ sinh...

 

Vì thế, những thông tin của phong trào bài trừ tiêm vắc xin đưa ra không có căn cứ khoa học. Hiện nay, tại Khánh Hòa, chúng tôi ghi nhận chưa có phong trào này, tình hình tiêm chủng vẫn triển khai bình thường, người dân vẫn ủng hộ việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho con em mình.

 

 

- Ông có thể cho biết, nếu không cho trẻ đi tiêm chủng, hệ lụy của vấn đề này là gì?


- Ai cũng biết vắc xin an toàn và hiệu quả vì trước khi được cấp phép sử dụng đều phải đạt được các yêu cầu kiểm tra rất nghiêm ngặt, thường xuyên được đánh giá và theo dõi về các phản ứng phụ. Những phản ứng nghiêm trọng dù rất hiếm đều được điều tra ngay. Nhiều quan niệm sai lầm cho rằng, chỉ cần vệ sinh tốt  môi trường sống, nguồn nước an toàn là không mắc các bệnh truyền nhiễm; tuy nhiên, trong môi trường này, các bệnh truyền nhiễm vẫn sẽ lan truyền. Vì thế, nếu phụ huynh không cho trẻ tiêm chủng, trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong, cụ thể: vi khuẩn Hib có thể gây suy giảm nhận thức ở trẻ; rubella gây đa dị tật bẩm sinh cho trẻ; vi rút bại liệt gây liệt không phục hồi cho trẻ....


Hệ lụy nặng nề của việc không cho trẻ tiêm vắc xin đã được minh chứng qua dịch sởi năm 2014 tại Việt Nam, làm khoảng 150 trẻ em chết. Vụ dịch sởi này xuất hiện ngay sau khoảng nửa năm tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp (do các bậc cha mẹ lo ngại tai biến sau tiêm vắc xin). Trong 3 - 4 năm gần đây, một số căn bệnh đã có thời tưởng chừng không còn ở Việt Nam như ho gà lại gia tăng trở lại và năm nào cũng có trẻ tử vong vì bệnh này. Các nhà khoa học ghi nhận, trên thế giới những nơi nào có phong trào chống vắc xin thì ở đó xuất hiện dịch.


- Được biết tại Khánh Hòa, tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 95%, toàn tỉnh đã loại trừ được một số dịch bệnh. Ông có thể cho biết, trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở tỉnh, trẻ đã được phòng ngừa những bệnh gì?


- Tại Khánh Hòa, dự án tiêm chủng mở rộng được triển khai thí điểm từ năm 1983 và đến năm 1989 được triển khai toàn tỉnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng còn triển khai tiêm vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tổ chức các đợt chiến dịch tiêm chủng vắc xin thương hàn, sởi, viêm não Nhật Bản cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau.


Qua gần 30 năm, dự án tiêm chủng mở rộng ở tỉnh đã đạt được những thành quả to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi cơ cấu bệnh tật; góp phần phòng, chống một số bệnh tật cho trẻ em trên cả nước nói chung và tỉnh nói riêng. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được khống chế, loại trừ, thanh toán. Đến nay, toàn tỉnh đã bảo vệ thành công thành quả thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ uốn ván sơ sinh; giảm tỷ lệ mắc/chết các bệnh: bạch hầu, ho gà, sởi… ở mức thấp nhất; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi ở tỉnh luôn đạt trên 95%.


Hiện nay, trẻ em dưới 1 tuổi ở tỉnh được tiêm chủng đầy đủ phòng 8 bệnh: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B và viêm phổi, màng não do Haemophylus influenza. Đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi, được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, tiêm nhắc lại mũi sởi, rubela, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván).


- Trong bối cảnh bị nhiễu thông tin như hiện nay, ông có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh?


- Tổ chức Y tế thế giới đã minh chứng tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Việc dự phòng bệnh tật bằng vắc xin chỉ tốn kém 1% chi phí điều trị, tức là chúng ta bỏ 1 đồng để dự phòng bằng vắc xin thì giảm được 99 đồng điều trị khi mắc bệnh.


Không gì đau xót hơn là con cháu mình bị ốm đau, thậm chí bị di chứng hoặc tử vong vì các căn bệnh có thể phòng ngừa. Vì thế, các bậc cha mẹ cần sáng suốt lựa chọn những điều đúng đắn nhất cho con em mình.


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)