11:04, 24/04/2017

Bệnh nhân mắc giun sán nhập viện tăng

Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc giun sán nhập viện tăng đáng kể, đặc biệt có nhiều ca vào viện với tình trạng bệnh khá nặng.

Thời gian gần đây, số bệnh nhân (BN) mắc giun sán nhập viện tăng đáng kể, đặc biệt có nhiều ca vào viện với tình trạng bệnh khá nặng.


Tự nhiên nổi mẫn trên da và gây ngứa, ông Nguyễn Thanh H. (TP. Nha Trang) cứ nghĩ bị mề đay. Sau khi áp dụng các biện pháp dân gian không khỏi, ông H. đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới điều trị. Dựa trên các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ cho ông điều trị theo phác đồ bệnh giun đũa chó, sau 1 tuần các biểu hiện bệnh thuyên giảm. Ông H. cho biết: “Nhà tôi có nuôi 2 con chó, đi làm về tôi hay cưng nựng, tắm rửa cho chúng, đâu biết là tiếp xúc thường xuyên với chó dễ mắc bệnh này”.

 

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân nhiễm giun sán điều trị  tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân nhiễm giun sán điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh


Trường hợp BN Cao Thị X. (huyện Khánh Sơn) nhập viện trong tình trạng sốt về chiều, đau bụng dữ dội, đau hạ sườn phải, vàng da… Dựa trên kết quả thăm khám và các xét nghiệm, bà X. được chẩn đoán áp xe gan lớn do nhiễm sán lá gan. Bà X. chia sẻ: “Thấy đau bụng, đi khám mới biết mắc sán. Bác sĩ cho biết bệnh của tôi có thể liên quan đến có thói quen dùng nước sông suối, hay ăn rau muống và các loại rau thủy sinh”.


Theo số liệu thống kê từ BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, trong quý I vừa qua, BV tiếp nhận điều trị cho khoảng 40 BN mắc các bệnh giun sán, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số ca mắc giun đũa chó và sán lá gan lớn tăng mạnh nhất. Cụ thể: quý I/2016, BV chỉ ghi nhận 5 ca giun đũa chó, nhưng quý I/2017 có tới 14 ca điều trị căn bệnh này. Quý I/2017 có tới 18 ca mắc bệnh sán lá gan lớn tăng gấp 3 lần so với quý I/2016. Không chỉ tăng mà thời gian qua, số BN nhiễm giun sán vào viện trong tình trạng nặng cũng khá nhiều, trước đây ít gặp. Điển hình có 4 BN sán lá gan lớn phải điều trị dài ngày do kích thước của ổ áp xe ở gan to phải can thiệp ngoại khoa để hút dịch. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng vì viêm phúc mạc.


Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: Người nhiễm giun sán là do ấu trùng giun sán xâm nhập qua đường miệng. Qua khai thác tiền sử của BN thì nguyên nhân mắc bệnh đều liên quan đến thói quen ăn uống và sự tiếp xúc thường xuyên của người bệnh với vật chủ. Hầu hết BN mắc sán đều có thói quen ăn thực phẩm sống - tái như: rau sống, gỏi cá sống, thịt bò tái… hoặc ăn nhiều rau thủy sinh, uống nước lã từ sông suối, ao hồ. Ấu trùng giun sán thường trú ngụ bên trong thân rau hoặc trong nội tạng và bên trong bắp thịt của động vật, khi chế biến thực phẩm không được đun chín kỹ, chúng vào cơ thể tiếp tục phát triển, sinh sôi. Riêng với giun đũa chó, do tiếp xúc với chó hoặc chất thải của chúng, khi xâm nhập vào cơ thể người, ấu trùng giun có thể khu trú nhiều nơi, nguy hiểm là chúng xâm nhập vào mắt có khả năng gây thủng võng mạc, thậm chí gây mù lòa, chúng lên não gây đau đầu dữ dội mà có khi lại nhầm tưởng một bệnh lý khác. Biểu hiện đặc trưng của nhiễm giun đũa chó là tình trạng ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh.


Trước tình hình số BN nhập viện vì nhiễm giun sán gia tăng trong thời gian gần đây, việc chủ động phòng ngừa là cần thiết bằng các biện pháp ăn chín, uống sôi; tránh tiếp xúc thường xuyên với vật nuôi; chất thải vật nuôi cần được xử lý, chôn lấp tránh ấu trùng giun sán phát tán ra môi trường gây bệnh cho cộng đồng.


Thùy An