Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa cho phép nhà đầu tư nào xây dựng nhà máy xử lý rác bởi 2 vấn đề nan giải là công nghệ xử lý và định mức xử lý rác chưa thuyết phục.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa cho phép nhà đầu tư nào xây dựng nhà máy xử lý rác bởi 2 vấn đề nan giải là công nghệ xử lý và định mức xử lý rác chưa thuyết phục.
Không thiếu nhà đầu tư
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình đăng ký đầu tư nhà máy xử lý rác đang rất “hot”. Qua rà soát, sở lựa chọn các đơn vị có tiềm năng là: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng công nghiệp HTH (trụ sở tại Hà Nội), Công ty TNHH Cơ điện Vạn Xuân (Hà Nội) và Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Gia (huyện Cam Lâm).
Công ty HTH đề nghị đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh), quy mô 240 tấn/ngày đêm; giá thành tái chế rác 305.000 đồng/tấn; tổng mức đầu tư dự án gần 285 tỷ đồng. Về công nghệ, áp dụng công nghệ xử lý rác VCN.HN 05-05B của Viện Công nghệ Hà Nội sử dụng công nghệ sinh học trong xử lý mùi hôi, xử lý chất hữu cơ thành phân hữu cơ, thu hồi các phế liệu có thể tái chế, tái tạo các sản phẩm gạch không nung, hạt nhựa… HTH cũng đề nghị được đầu tư xử lý rác tại Vạn Ninh.
Công ty Vạn Xuân đề xuất đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), quy mô 100 tấn/ngày đêm; giá thành xử lý rác 380.000 đồng/tấn; tổng mức đầu tư dự án hơn 79 tỷ đồng. Vạn Xuân áp dụng công nghệ lò đốt nhãn hiệu MFI, kiểu lò đốt 2 cấp đảm bảo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng; hệ thống xử lý khí thải được thiết kế đầy đủ các công đoạn cơ bản.
Công ty Hoàng Gia đề xuất công nghệ xử lý mới chưa từng có ở Việt Nam là công nghệ vi sinh hiếu khí tốc độ cao. Ông Bùi Quốc Nghĩa - đại diện đơn vị tư vấn công nghệ cho Hoàng Gia cho biết, công nghệ này cho phép tất cả các loại rác đều được tái chế hữu hiệu. Phễu thu phế liệu là công đoạn đầu tiên thu nạp rác có công suất 40 - 100 tấn, được máy cắt định hình thành kết cấu nhỏ 2 - 3cm, sau đó đi qua bể nước, hình thành các kết cấu chìm và nổi tự động tách ra. Vật liệu nổi được đưa ra đốt trong lò áp suất âm, vật liệu chìm chuyển sang chế biến gạch không nung, nước thải xử lý nhờ công nghệ hiếu khí tốc độ cao đảm bảo môi trường. Với công nghệ này, đơn vị không đưa ra mức giá xử lý cụ thể, mà chỉ cam kết mức giá thấp nhất. Hoàng Gia đề nghị được đầu tư nhà máy tại thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát, Cam Lâm), diện tích 50ha, tổng mức đầu tư 808 tỷ đồng.
Cần thận trọng
Ông Võ Thế Hùng - Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng: Trong khi chờ đợi một giải pháp khả thi, ổn cả về công nghệ và giá thành để xây dựng thí điểm nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, trước mắt để xử lý lượng rác quá tải, tỉnh vẫn dựa vào các bãi rác cũ đã được đầu tư theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (Lương Hòa, TP. Nha Trang; Cam Thịnh Đông, Cam Ranh và Hòn Rọ, thị xã Ninh Hòa) và các bãi rác truyền thống tại các huyện và các xã, phường... |
Thời gian qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành đã xây dựng bộ tiêu chí về công nghệ và giá thành xử lý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đến nay, việc xây dựng bộ tiêu chí về vấn đề này vẫn còn khập khiễng. Ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1354 (ngày 29-12-2017), công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định mức chi phí xử lý theo từng công nghệ khác nhau. Theo đó, giá thành xử lý theo công nghệ chế biến phân vi sinh từ 220.000 đến 340.000 đồng/tấn rác tùy theo công suất và thiết bị; công nghệ đốt 350.000 - 500.000 đồng/tấn; kết hợp vi sinh và đốt 220.000 - 410.000 đồng/tấn… Tuy nhiên, tỉnh vẫn không biết dựa vào cơ sở nào để bộ tính toán mức chi phí như vậy, do đó đã có văn bản phản hồi đề nghị bộ làm rõ để tỉnh có cơ sở thực hiện.
Một khó khăn khác là vấn đề công nghệ. Hiện nay, các nhà đầu tư chào hàng với công nghệ rất “kêu” nhưng thực tế tại nhiều địa phương đang gặp rắc rối về vấn đề này. Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã lập đoàn nghiên cứu, khảo sát việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác ở một số nơi nhưng thực tế không như những gì doanh nghiệp nói. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động tiếp tục phát sinh những hệ lụy không đáng có, kết quả là ô nhiễm vẫn tiếp tục và còn trầm trọng hơn. Vì thế, tỉnh rất thận trọng trong vấn đề này.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, một số tỉnh đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng chưa khẳng định công nghệ nào tốt nhất, giải quyết được tình trạng rác hỗn hợp như ở Việt Nam. Nếu có công nghệ tốt thì các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết tốt tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào giá thành xử lý tại các địa phương. Vì vậy, vấn đề xây dựng nhà máy vẫn còn tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp.
V.LẠC