09:07, 02/07/2017

Ô nhiễm ở suối Lùng

Trước đây, suối Lùng là nguồn nước sinh hoạt chính của hơn 60 hộ tại thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Thế nhưng, mấy năm gần đây, dòng suối bị ô nhiễm nặng. 

Trước đây, suối Lùng là nguồn nước sinh hoạt chính của hơn 60 hộ tại thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Thế nhưng, mấy năm gần đây, dòng suối bị ô nhiễm nặng. Hàng ngày, các hộ phải mua từng bình nước để uống và nấu ăn; còn các sinh hoạt khác liên quan đến nước vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm…


Khi chúng tôi đến, suối Lùng trong tình trạng nước đục ngầu bởi bùn đất. Ngược lên khu vực đầu nguồn, bên cạnh suối Lùng là một dự án đang triển khai san đất nền. Do vừa trải qua một trận mưa nên khu vực đầu nguồn ngổn ngang đất đá, dòng suối đục ngầu. Ông Lê Đức Thành - Phó Trưởng thôn Khánh Thành Nam cho biết: “Thôn Khánh Thành Nam từ trước đến nay chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt, nên người dân chủ yếu sử dụng nước suối. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước suối Lùng bị ô nhiễm nặng do một cơ sở chiết xuất vỏ tôm, các trang trại chăn nuôi xả thải trực tiếp ra suối. Khi người dân kiến nghị, cá nhân tổ chức xả thải chưa khắc phục được bao nhiêu, lại có thêm một dự án san đất nền khiến dòng suối thêm ô nhiễm. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, đất đá tràn xuống, dòng suối đặc quánh bùn đất”.

 

Được biết, người dân trong thôn không dám đào giếng, vì sợ mạch nước cũng bị nhiễm hóa chất nên hàng ngày phải đi mua nước đóng bình để nấu ăn và uống; còn việc giặt giũ, tắm rửa vẫn phải chấp nhận dùng nước suối... “Vì nhu cầu bức thiết, các hộ đã gửi đơn đề nghị góp tiền xây dựng hệ thống nước sạch sinh hoạt. UBND xã đã chuyển đơn đến Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa từ cuối năm 2016. Nhân viên công ty cũng đã xuống xem xét, đo vẽ nhưng không hiểu lý do gì cho đến nay vẫn chưa thực hiện”, ông Thành nói.


Ông Trần Quốc Bảo - người có 15ha đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương cho biết: “Nguồn nước suối Lùng ô nhiễm, dùng tưới cho cây đất có hiện tượng cứng lại, cây không phát triển được. Điều đáng lo nhất, nếu nước suối nhiễm hóa chất đem tưới cho cây thì sản phẩm sau khi trồng không thể dùng được. Hiện tại, người dân trong thôn rửa ráy bằng nước suối nhiều bị ngứa, lâu ngày sợ bị bệnh”.


Trước tình trạng trên, ngày 15-6, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn suối Lùng. Đoàn đã kiểm tra tại Dự án Cụm công nghiệp Trảng É 1, Cơ sở chế biến phụ phẩm hải sản Nguyễn Chí Nam và Cơ sở chế biến nước mắm Hải Đăng Phát.


Tuy đoàn kiểm tra chưa phát hiện nguồn nước thải công nghiệp xả ra suối Lùng, nhưng theo đánh giá ban đầu, một số trại chăn nuôi phía thượng nguồn suối Lùng xả thải có thể là nguyên nhân dẫn đến nguồn nước ô nhiễm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu nước ở suối Lùng để phân tích, đánh giá theo thông số quy chuẩn, mức độ ô nhiễm cụ thể.

 

Cơ sở chiết xuất vỏ tôm được người dân phản ánh xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước suối Lùng

Cơ sở chiết xuất vỏ tôm được người dân phản ánh xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước suối Lùng

 

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện đơn vị thi công Dự án Cụm công nghiệp Trảng É 1 đã thay đổi phương án làm kè đá dọc suối Lùng thay cho mái ta luy bằng đất (hồ sơ đã được phê duyệt trước đó), Đoàn kiểm tra đã đề nghị chính quyền xã Suối Cát kiểm tra rà soát, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi không được xả thải trực tiếp ra suối Lùng, đồng thời buộc các cơ sở trên phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn theo quy định; yêu cầu đơn vị chủ quản Dự án Cụm công nghiệp Trảng É 1 phải khơi thông lại dòng chảy suối Lùng, đảm bảo thoát nước mưa trong khu vực; nghiêm túc chấp hành theo quy hoạch thoát nước đã được UBND tỉnh phê duyệt.


Ông Trần Minh Huệ - Trưởng thôn Khánh Thành Nam mong muốn: “Việc suối Lùng ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của các hộ trong thôn. Vì vậy, rất mong chính quyền các cấp, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa xem xét, nhanh chóng xây dựng hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh về thôn, đảm bảo cho đời sống người dân”.


Ông Phạm Cao Minh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết, hiện nay, công ty chưa thể triển khai thi công đường ống, đưa nước sạch về thôn Khánh Thành Nam vì kinh phí quá cao, đơn vị thiếu vốn đầu tư. Chi phí cho việc xây dựng đường ống khoảng 9,3 tỷ đồng, chưa tính đường ống nhánh nối vào cho các hộ. Do dân cư ở khu vực xã Suối Cát thưa thớt, việc lắp ống nước chi phí sẽ tốn kém hơn. Trong khi đó, Tỉnh lộ 3 đang quy hoạch làm đường, việc xin phép xây dựng đường ống nước sinh hoạt chạy qua rất khó. Do vậy, tuy đã khảo sát, thiết kế bản vẽ nhưng công ty vẫn chưa triển khai xây dựng.


PHƯƠNG HƯỚNG