07:08, 07/08/2015

Ô nhiễm tại thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương: Cần xử lý dứt điểm

Nhiều năm nay, trên địa bàn thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) diễn ra tình trạng ô nhiễm nước thải do hoạt động chế biến thủy sản, thế nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Nhiều năm nay, trên địa bàn thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) diễn ra tình trạng ô nhiễm nước thải do hoạt động chế biến thủy sản (CBTS), thế nhưng chưa được xử lý dứt điểm.


Dòng sông ô nhiễm


“Ngâm” là tên người dân đặt cho con sông cạn chạy ngoằn ngoèo qua địa bàn 2 thôn Văn Đăng 1 và 2. Đây là con sông chết, mùa khô không có nước, mùa mưa mới đủ nước đổ ra biển. Vì thế, con sông trở thành chỗ chứa nước thải của các hoạt động dân sinh, kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là nước thải từ 2 doanh nghiệp (DN) CBTS trong khu vực.

 

Con sông Ngâm bị ô nhiễm do xả thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản
Con sông Ngâm bị ô nhiễm do xả thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản


Ông Đ.H.K (thôn Văn Đăng 1) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực kéo dài đã nhiều năm, chủ yếu là do nước thải của 2 DN CBTS trong vùng là Hồng Phi và Việt Phát. “DN Hồng Phi trực tiếp xả thải xuống sông Ngâm. Gần đây, DN còn nối ống xả thải đoạn dưới hạ lưu, cách vị trí cũ hơn 100m. DN Việt Phát chứa nước thải trong hầm, thỉnh thoảng cho xe hút hầm chở đi, nhưng cũng không loại trừ DN này xả trực tiếp nước thải ra sông Ngâm. Chính vì vậy, con sông luôn bốc mùi hôi thối, nhất là mùa khô, đêm ngủ cũng phải mang khẩu trang...” - ông K. nói.


Ông L.N.Kh. (thôn Văn Đăng 2) cho hay, trước kia, sông Ngâm rất sạch, không có mùi hôi. Nhưng từ khi 2 DN CBTS đi vào hoạt động, con sông bị ô nhiễm, mùi hôi ngày càng trầm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào xử lý. Mỗi lần người dân phản ánh, xã cử người kiểm tra nhưng đâu lại vào đó, DN vẫn ung dung xả thải. Thời điểm nào biển được mùa, DN hoạt động nhiều thì lượng nước thải càng lớn, mùi hôi càng nặng nề.


Cần kiểm tra, xử lý dứt điểm


Trao đổi với ông Phạm Thành Tài - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phi, ông Tài cho rằng, con sông Ngâm bốc mùi không chỉ do nước thải từ 2 DN, mà còn có các hộ dân trong khu vực. DN Hồng Phi chuyên sản xuất cá hố nguyên con cấp đông, công suất mỗi ngày khoảng 10 tấn nên lượng nước thải không lớn. Sau khi các ngành chức năng và Cảnh sát môi trường kiểm tra, từ đầu năm 2014, đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công suất 50m3. DN thường xuyên quan trắc, lấy mẫu kiểm tra theo yêu cầu của ngành chức năng. Nước thải đạt tiêu chuẩn cột B theo quy định và được phép xả thải ra môi trường... Làm việc với DN tư nhân CBTS Việt Phát, chúng tôi được biết, nước thải của cơ sở được chứa vào hầm, nhưng khi chúng tôi đề nghị được thị sát khu vực hầm chứa thì người quản lý tại đây không hợp tác.


Ông Nguyễn Phụng Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương khẳng định: “Ô nhiễm chủ yếu từ 2 DN CBTS trong khu vực; số hộ dân dọc con sông này không nhiều nên mức độ gây ô nhiễm do nước thải sinh hoạt không cao. Hiện tại, DN Hồng Phi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Riêng DN Việt Phát, xã nhiều lần đến kiểm tra nhưng DN luôn tỏ thái độ bất hợp tác. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, rà soát và yêu cầu xử lý dứt điểm...”.


Theo ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trước đây, DN Hồng Phi nằm trong danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của tỉnh, cơ quan chức năng đã yêu cầu DN xử lý. Vừa qua, DN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, được các cơ quan chức năng kiểm tra xác nhận và đề nghị đưa ra khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm. Đối với DN Việt Phát, Sở TN-MT không có hồ sơ của DN này.


Chúng tôi đã liên hệ với Phòng TN-MT TP. Nha Trang về DN Việt Phát. Tuy nhiên, các cán bộ của phòng cho biết chưa có hồ sơ về DN này...


Q.V