11:01, 03/01/2023

Học sinh lớp 2 sẽ được học giáo dục địa phương

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức tập huấn triển khai hoạt động giáo dục địa phương dành cho lớp 2 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức giảng dạy từ học kỳ II năm học 2022-2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức tập huấn triển khai hoạt động giáo dục địa phương dành cho lớp 2 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức giảng dạy từ học kỳ II năm học 2022-2023.


Tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và các môn học


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, tài liệu đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt và UBND tỉnh cấp kinh phí in ấn, cấp phát cho các trường tiểu học để làm tài liệu dùng chung trong tổ chức hoạt động giáo dục địa phương.

 

Tiết học tại Trường Tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang). Ảnh minh họa

Tiết học tại Trường Tiểu học Vạn Thắng (Nha Trang). Ảnh minh họa


Tài liệu được thiết kế gồm 6 chủ đề: TP. Nha Trang; di tích lịch sử - văn hóa thành Diên Khánh; Quan trấn thủ Hùng Lộc Hầu; đặc sản yến sào Khánh Hòa; làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1; Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Mỗi chủ đề có hệ thống kênh chữ và kênh hình, trong đó kênh hình chiếm tỷ lệ lớn; dung lượng kiến thức được trình bày đơn giản, dễ hiểu, tập trung vào nội dung cơ bản, theo dạng trực quan hóa qua hình ảnh, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về cuộc sống xung quanh. Các nội dung này cũng có tính hệ thống, liên thông với các khối lớp khác.


Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm và các môn học như: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội… Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các trường có thể linh hoạt, chủ động việc tổ chức giảng dạy phù hợp với mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học và mạch kiến thức, tổ chức cho học sinh tham quan ngoại khóa phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương. Bên cạnh đó, nguồn thông tin, hướng dẫn trong tài liệu chỉ mang tính gợi ý, định hướng nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể chủ động lựa chọn, mở rộng các nội dung theo đặc trưng của vùng miền, văn hóa địa phương với những hình ảnh, câu chuyện, chuyến tham quan thực tế... để học sinh có thêm kiến thức về nơi mình đang sinh sống. Ngoài ra, các trường cần trang bị thêm tài liệu khác về địa phương mình để cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu mở rộng kiến thức, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục địa phương cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh.


Phân bổ cho thư viện trường để học sinh mượn học


Ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 không bán mà được Sở GD-ĐT phân bổ tới các phòng GD-ĐT để các phòng phân phối cho tất cả các trường có học sinh tiểu học. Các trường nhập vào thư viện; hàng năm, căn cứ trên số lượng học sinh lớp 2 của trường, nhân viên thư viện phân bổ tài liệu học sinh đến các lớp, đảm bảo mỗi em 1 cuốn. Nếu số lượng không đủ có thể cho học sinh dùng chung, tối đa 2 học sinh 1 cuốn. Cuối năm học, tài liệu sẽ được trả về thư viện trường. Do đây là tài liệu dùng chung của nhà trường và được sử dụng cho nhiều năm học nên giáo viên có trách nhiệm nhắc nhở học sinh bảo quản, giữ gìn trong quá trình sử dụng.


Mới đây, Sở GD-ĐT đã tập huấn cho các chuyên viên phụ trách giáo dục tiểu học của sở và các phòng GD-ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán sử dụng tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 (sách học sinh và sách giáo viên). Sau lớp tập huấn cấp tỉnh, các phòng GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn cấp huyện, cấp trường. Thầy Đinh Như Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Trường vừa được phân phối tài liệu giáo dục địa phương lớp 2. Các giáo viên đã nghiên cứu, sắp tới sẽ tham gia tập huấn phương pháp giảng dạy theo chương trình mới. Băn khoăn lớn nhất khi tổ chức hoạt động giáo dục địa phương là chương trình gắn với thực tiễn, nhưng do điều kiện hạn chế nên nhà trường sẽ khó khăn trong việc tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế, học sinh chủ yếu tiếp cận bài học qua các hình ảnh, câu chuyện kể…”.

 

Các khối lớp 1, 2, 3 và 6, 7, 10 đã và đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có khối lớp 1, sắp tới là khối lớp 2 tổ chức giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình mới. Các khối còn lại chưa có tài liệu vì gặp nhiều khó khăn trong các khâu thẩm định giá, in ấn, ban hành nên vẫn chưa thể tổ chức giảng dạy.


H.NGÂN