10:11, 18/11/2021

Ngành Giáo dục: Thích ứng để đổi mới

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác dạy và học, chất lượng giáo dục mũi nhọn và những vấn đề đặt ra của ngành trong tình hình mới.

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về công tác dạy và học, chất lượng giáo dục mũi nhọn và những vấn đề đặt ra của ngành trong tình hình mới.

 

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa

 

- Năm học 2020-2021 là một năm học hết sức đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tích. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

 

- Năm học 2021-202, toàn ngành GD tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.


Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch. Theo đó, phối hợp với ngành Y tế, ngành GD đã chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Hoạt động khai giảng được tổ chức linh hoạt theo 2 hình thức song song: trực tuyến và trực tiếp; bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực; thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên (HS, SV), giáo viên (GV) vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

 

Lớp học tại Trường Tiểu học Phước Tân 1 (TP. Nha Trang).

Lớp học tại Trường Tiểu học Phước Tân 1 (TP. Nha Trang).


Bên cạnh đó, ngành GD cũng đã rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.


Đồng thời, trong 2 ngày 16 và 17-11, tỉnh đã đồng loạt triển khai tiêm chủng mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh THPT, từ lớp 10 đến lớp 12. Theo thống kê, tổng số trẻ trong lứa tuổi từ 12-17 trên toàn tỉnh khoảng 128.449 trẻ, trong đó có 113.774 đang học ở các trường ; 14.675 trẻ ở cộng đồng. Tổng số lượng vắc xin sẽ dùng trong chiến dịch khoảng 282.600 liều.


Như tôi đã từng chia sẻ với nhiều thầy cô giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực hết sức, chỉ đạo kịp thời các trường đa dạng hóa hình thức học tập, đảm bảo mọi HS đều có quyền bình đẳng về cơ hội học tập. Chúng ta bắt đầu năm học mới giữa bối cảnh không bình thường là để cùng nhau tạo nên những dấu ấn thật đặc biệt trong năm học này.


- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là nâng cao chất lượng công tác giáo dục mũi nhọn.  Xin ông cho biết kết quả công tác giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng HS giỏi của tỉnh nói chung, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói riêng?


- Thời gian qua, mạng lưới trường lớp được quy hoạch, đầu tư và sắp xếp hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng GD đại trà và mũi nhọn. Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo nhà trường tập trung phân công GV hoặc nhóm GV có đủ năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm, sáng tạo đảm nhận dạy các lớp chuyên. Nội dung giảng dạy tập trung rèn luyện các kỹ năng, vận dụng kiến thức vào thực tế, kỹ năng làm bài, giải quyết vấn đề trong học tập, tự chủ và sáng tạo trong việc học… Bên cạnh đó, để giảng dạy chuyên sâu và nâng cao chất lượng học tập của HS, tổ trưởng chuyên môn và chủ nhiệm các đội tuyển phân công GV biên soạn đề cương chi tiết các chuyên đề giảng dạy, bồi dưỡng… Sở cũng đã hướng dẫn về việc tăng cường cho HS tìm đọc các tài liệu có định hướng theo những chuyên đề phát triển và nâng cao năng lực tự học, các tài liệu phù hợp với trình độ để tự rèn luyện, nghiên cứu thêm ở nhà; mời các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực để bồi dưỡng cho GV và HS đội tuyển.

 

Một tiết học của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang).

Một tiết học của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang).


Một số chỉ tiêu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện vượt mặt bằng chung của khu vực. Hàng năm, nhiều HS của trường đậu vào các trường đại học hàng đầu và có điểm tổ hợp cao trên 25 điểm. Từ năm 2018 đến nay, trường đã đạt được 61 giải HS giỏi cấp quốc gia; trong đó có 9 giải nhì, 16 giải ba và 36 giải khuyến khích. Đặc biệt, năm 2019, tỉnh có 1 HS đạt giải nhì chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.


Sở GD-ĐT đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn trường chuyên tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ GD trong từng năm học theo quy định, phù hợp với thực tế địa phương; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học, các chế độ hỗ trợ GV, HS… Sở còn chỉ đạo nhà trường tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực GV của trường với những hoạt động cụ thể như: bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề, nghiên cứu bài học, nghiên cứu đề thi… góp phần thu hút HS, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GD mũi nhọn của tỉnh.


Hiện nay, toàn trường có 71 GV; trong đó có 38 thạc sĩ, 4 GV đang học sau đại học; 100% GV đạt chuẩn theo quy định…


- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ông muốn gửi gắm thông điệp gì đến đội ngũ nhà giáo toàn tỉnh?


- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi xin gửi lời chúc mừng đến toàn thể nhà giáo, công chức, viên chức quản lý, người lao động ngành GD tỉnh và mong rằng trong thời gian tới, những người làm công tác giáo dục tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trình độ nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Đặc biệt,  dịch bệnh xảy ra trong bối cảnh kỷ nguyên số đã dẫn tới những thay đổi trong cách thích ứng, vận hành, quản trị xã hội. Để ứng phó với đại dịch, ngành GD-ĐT cần phải có những giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế cũng như với xu thế phát triển của thời đại chuyển đổi số. Chính vì thế, đội ngũ giáo viên cần nỗ lực nhiều hơn để khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho HS, SV với phương châm “lấy HS làm trung tâm”, chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.


- Xin cảm ơn ông!


Thanh Trúc (Thực hiện)