11:01, 02/01/2020

Biên soạn nội dung giáo dục địa phương theo chương trình mới

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương, một nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương, một nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.


Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước


Theo bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, việc triển khai nội dung giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh... tại địa phương nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng… Tài liệu giáo dục địa phương phải được biên soạn, ban hành và tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất, có tính liên thông, không trùng lặp về nội dung giữa các lớp học, phù hợp với tài liệu hướng dẫn dạy học các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời phải có tính mở để giáo viên và học sinh vận dụng, cập nhật, bổ sung các thông tin mới phù hợp tại mỗi địa phương trong tỉnh.

 

Học sinh Trường THCS Âu Cơ (TP. Nha Trang) tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng.

Học sinh Trường THCS Âu Cơ (TP. Nha Trang) tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng.


Theo đó, nội dung giáo dục địa phương bao gồm các vấn đề về lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương như: Lịch sử hình thành và phát triển; danh nhân văn hóa; di tích lịch sử; bảo tàng; lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật truyền thống, văn hóa nghệ thuật dân gian; truyền thống quê hương; phong tục, tập quán địa phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật. Bên cạnh đó còn có các vấn đề về địa lý và kinh tế, hướng nghiệp như: thị trường lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; tiềm năng phát triển kinh tế địa phương; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường…


Kết nối, tích hợp theo từng cấp học


Theo kế hoạch biên soạn, thẩm định và sử dụng tài liệu giáo dục địa phương, Sở GD-ĐT đã xây dựng ma trận nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt của Tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học và trung học. Trong đó thể hiện các mạch nội dung, yêu cầu năng lực cần đạt, tính kết nối với Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể; đảm bảo tích hợp ngang trong từng lớp học và tích hợp dọc theo từng cấp học; đáp ứng quan điểm tích hợp và phân hóa của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo trục: thế giới - khu vực - quốc gia - địa phương và đảm bảo là một bộ phận không thể thiếu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.


Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương sẽ được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học của từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng, chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh... Chẳng hạn, với chủ đề quê hương em tươi đẹp, học sinh lớp 1 sẽ có bài học Khánh Hòa - quê hương em, lớp 2 có bài Miền quê nơi em sinh sống. Với chủ đề làng nghề truyền thống, học sinh lớp 1 sẽ được tìm hiểu về một số sản phẩm nghề thủ công truyền thống của tỉnh như: gùi, cần xé, chiếu cói, nón lá, gốm, đúc đồng; lớp 2 sẽ được tìm hiểu sản phẩm yến sào Khánh Hòa. Đến lớp 3, các em sẽ tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai. Ở lớp 4, 5, các em học thêm các bài hát, đồng dao, trò chơi dân gian... Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương sẽ đa dạng, sâu rộng hơn, được tổ chức dưới hình thức lồng ghép vào bài học hoặc xây dựng dưới dạng chuyên đề ở các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, tiếng Anh với thời lượng 35 tiết/năm học.


Bà Hoàng Thị Lý cho biết, đối với cấp trung học, sở đang xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện biên soạn và sẽ trình UBND tỉnh ký quyết định thành lập các hội đồng biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương. Đối với cấp tiểu học, sở phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm, lựa chọn chủ đề, nội dung phù hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo kế hoạch, trong hè 2020, sở sẽ tổ chức tập huấn thực hiện nội dung giáo dục địa phương lớp 1 cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cấp huyện. Đồng thời hỗ trợ địa phương tổ chức tập huấn tập trung trực tiếp cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn để triển khai dạy từ năm học 2020 - 2021 đối với khối lớp 1. Từ năm học 2021 - 2022, Tài liệu giáo dục địa phương sẽ triển khai dạy đối với khối 6.


H.NGÂN