08:10, 02/10/2019

Cam Lâm: Nỗ lực nâng chất lượng dạy học

Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã có nhiều chuyển biến trong chất lượng dạy học. Huyện đang nỗ lực khắc phục việc thiếu giáo viên cục bộ.

 

Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã có nhiều chuyển biến trong chất lượng dạy học. Huyện đang nỗ lực khắc phục việc thiếu giáo viên (GV) cục bộ.


Nhiều kết quả tốt


Hiện nay, huyện Cam Lâm có 46 trường thuộc các bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Cơ sở vật chất các trường học đã và đang từng bước được xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Điểm nổi bật ở Cam Lâm là tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khá cao. Theo thống kê, 3 cấp học của huyện có 76% số trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp học mầm non có 9/15 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 60%); cấp tiểu học có 15/19 trường đạt chuẩn (78,9%); cấp THCS có 11/12 trường đạt chuẩn (91,7%). Hiện nay, ở cấp THCS chỉ còn Trường THCS A.Yersin tại xã Suối Cát chưa đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020. Theo ông Lê Anh Bằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lâm, Trường THCS A.Yersin đang nỗ lực đạt chuẩn về tiêu chí kết quả giáo dục. Tuy nhiên, do đây là trường có số học sinh dân tộc thiểu số đông nên tiêu chí này khó hoàn thành trong thời gian qua.

 

Giờ học tại Trường Tiểu học Cam Đức 1.

Giờ học tại Trường Tiểu học Cam Đức 1.


Trong quá trình từng bước nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo dạy học, đã có 6 công trình trường học được sửa chữa, gồm các trường: Mầm non Anh Đào, Mầm non Hướng Dương, Tiểu học Cam An Bắc, Tiểu học Cam Hòa 1, Tiểu học Cam Hải Tây, THCS Phan Đình Phùng với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-5, tổng số cán bộ, GV, nhân viên toàn ngành Giáo dục huyện là 1.712 người, trong đó có 1.180 người. 100% cán bộ quản lý và GV đều đạt chuẩn đào tạo; số cán bộ quản lý và GV có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt hơn 90%. Nhờ đó, nền tảng giáo dục các cấp học của huyện luôn được giữ vững trong thời gian qua. Nổi bật là ở cấp tiểu học, 100% trẻ đến 6 tuổi được huy động ra lớp, đảm bảo tốt công tác toàn dân đưa trẻ đến trường; 19/19 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 303 lớp, tăng 4 lớp so với năm trước. Năm học qua, có 681/694 học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình học.


Khắc phục khó khăn


Theo ông Bằng, hiện nay, phòng đã chỉ đạo các trường có hướng đào tạo tăng cường việc trải nghiệm cho học sinh nhiều hơn. Cụ thể, tùy vào điều kiện, các bộ môn sẽ tăng cường thực hành, ngoại khóa để học sinh được ứng dụng, trải nghiệm kiến thức.


Để đáp ứng công tác này, phòng đang nỗ lực giải quyết việc thiếu GV cục bộ. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang thực hiện lộ trình giảm số lớp học THCS để đảm bảo sĩ số từ 40 đến 45 học sinh/lớp. Từ đó, số biên chế GV THCS dư ra  do nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển sẽ bổ sung vào biên chế cho GV bậc mầm non hiện đang thiếu khoảng 50 người. Nhờ vậy, chất lượng dạy trẻ mầm non sẽ được tăng cường nhờ bổ sung thêm GV. Bên cạnh đó, công tác đầu tư bồi dưỡng học sinh giỏi, GV giỏi của huyện sẽ tiếp tục được quan tâm hơn, nâng cao chất lượng dạy học và kết quả thi học sinh giỏi, GV dạy giỏi các bậc học.


“Thời gian qua, ngành Giáo dục Cam Lâm đã nỗ lực đưa ra nhiều phương án khắc phục khó khăn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại chưa giải quyết ngay được mà cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ các cấp như: Chế độ lương cho đội ngũ cấp dưỡng các trường còn thấp; số lượng biên chế GV hạn hẹp trong khi nhu cầu gửi trẻ ngày càng nhiều ở bậc học mầm non”, ông Bằng nói.


V.THÀNH