08:09, 02/09/2019

Sẵn sàng cho năm học mới

Những ngày này, khắp các trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thấy náo nức không khí của năm học mới. Trường, lớp đã sạch, đẹp, hơn 15.000 thầy cô đã sẵn sàng chào đón hơn 270.000 học sinh đến trường...

 

Những ngày này, khắp các trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thấy náo nức không khí của năm học mới. Trường, lớp đã sạch, đẹp, hơn 15.000 thầy cô đã sẵn sàng chào đón hơn 270.000 học sinh (HS) đến trường...

 

Trường, lớp khang trang hơn

 

Chúng tôi đến cơ sở mới xây dựng của Trường Mầm non Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) khi các cô giáo vẫn đang tỉ mỉ cắt, dán những hình vẽ, con chữ cuối cùng để trang trí lớp học. “Năm nào cũng vậy, chuẩn bị năm học mới, các cô đều dọn dẹp, trang trí cho lớp sạch, đẹp hơn. Năm học này, trường càng vui hơn khi có thêm cơ sở mới để các bé học…”, cô Thái Vân Anh chia sẻ.

 

Diện mạo khang trang của Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Cam Lâm).

Diện mạo khang trang của Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Cam Lâm).

 

Cơ sở 2 của Trường Mầm non Vĩnh Trung được xây dựng trên nền đất cũ của Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu từ nguồn kinh phí xã hội hóa gần 10 tỷ đồng. Trường có 2 tầng, tổng diện tích hơn 2.000m2, gồm 5 phòng học khang trang, các phòng chức năng, khối hành chính, nhà bếp, sân chơi rộng rãi, đồ chơi, đồ dùng học tập đa dạng. Đây cũng là trường mầm non duy nhất của thành phố hoàn thành xây mới đầu năm học 2019 - 2020. Cô Mai Thị Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với cơ sở 2 được xây dựng, nhà trường sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 270 trẻ trong năm học này.   

 

Cũng trên địa bàn Nha Trang, Trường Mầm non Phước Long đang được xây mới cơ sở 1, dự kiến đưa vào sử dụng từ học kỳ 2 năm học 2019 - 2020. Cô Cao Thị Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phường Phước Long có dân số tăng nhanh, số trẻ trên địa bàn ngày càng đông nên việc cơ sở 1 được xây mới với 8 phòng học sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của trẻ.


Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang cho biết, năm 2019, thành phố đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học… với tổng kinh phí hơn 52,4 tỷ đồng. Trong đó, xây mới 15 phòng học, 9 phòng bộ môn, 3 nhà đa năng; cải tạo và sửa chữa khối hành chính, nhà vệ sinh, xây dựng mới bếp ăn bán trú ở một số trường tiểu học như: Phước Đồng, Lộc Thọ, Vĩnh Trung, Ngọc Hiệp...

 

Học sinh Trường THCS Trần Nhật Duật (TP. Nha Trang) trong ngày tựu trường.

Học sinh Trường THCS Trần Nhật Duật (TP. Nha Trang) trong ngày tựu trường.

 

Niềm vui đến với HS và thầy cô giáo Trường Tiểu học Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) khi trường vừa được xây mới 18 phòng học khang trang, sạch đẹp. Đây là trường tiểu học có quy mô lớn nhất thị xã với 28 lớp, hơn 900 HS, 2 điểm trường. Từ năm học này, toàn bộ HS sẽ học tập trung ở 1 điểm, tạo điều kiện thuận lợi để trường phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn quốc gia. Ông Lê Quang Thạch - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ninh Hòa cho biết, năm 2019, thị xã đầu tư hơn 73 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học mới. Đến thời điểm này, hầu hết các dự án, công trình đã hoàn thành để phục vụ cho khai giảng. Việc đầu tư cơ sở vật chất sẽ tạo điều kiện cho thị xã tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ hơn 40% lên 50%.


Tại huyện Khánh Vĩnh, các trường mầm non: Ngọc Lan, Hướng Dương, Hương Sen, Sen Hồng và Trường Tiểu học Yangly cũng được khoác lên mình diện mạo mới. Những hạng mục xuống cấp ở các trường: THCS Nguyễn Thái Bình, tiểu học: Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Hiệp được sửa chữa để đảm bảo dạy và học tốt hơn. Ông Trần Văn Trung - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, năm 2019, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp với tổng kinh phí 81 tỷ đồng.

 

Còn ở huyện Diên Khánh, huyện đã đầu tư xây mới Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh và cơ sở 2 của Trường THCS Trịnh Phong; sửa chữa, cải tạo phòng học, nhà vệ sinh ở nhiều trường với tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bích - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, bằng nguồn kinh phí của mình, các trường đã sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, bàn ghế…  với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.


Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết, chuẩn bị cho năm học mới, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư sửa chữa hàng năm, sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm và nguồn thu hợp pháp để mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy và học, tu bổ, sửa chữa các hạng mục nhỏ. Trong đó, đặc biệt quan tâm sửa chữa nhà vệ sinh. Tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung 25 tỷ đồng cho Sở GD-ĐT để thực hiện xây mới, sửa chữa, cải tạo 49 công trình vệ sinh trong các trường học toàn tỉnh.

 

 Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang).

Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến (TP. Nha Trang).

 

Tập trung bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo


Năm học 2019 - 2020 được coi là năm bản lề chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm học 2020 - 2021 đối với khối lớp 1), với nhiều dấu mốc phải hoàn thành. Theo bà Hoàng Thị Lý, ngành rất chú trọng tới công tác bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo. Năm học tới, ngành sẽ tập trung giảm áp lực thành tích, áp lực hành chính cho giáo viên, tăng cường quản lý bằng hoạt động chuyên môn cụ thể chứ không phải bằng hoạt động hành chính để giáo viên tập trung cho nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, nâng cao đạo đức nhà giáo để “mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Toàn tỉnh hiện có 541 trường mầm non, phổ thông và 5 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp. Năm 2019, kinh phí đầu tư để thực hiện các đề án, sửa chữa, mua sắm phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học toàn ngành GD-ĐT tỉnh hơn 563,6 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hơn 535,6 tỷ đồng, mua sắm thiết bị dạy và học hơn 27,9 tỷ đồng.

Dịp hè vừa qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý, giáo viên trong diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo. Sắp tới, sở sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên có nhu cầu thăng hạng trong năm học 2019 - 2020. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu giáo viên phải nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục, phải năng động, tự học, tự đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của HS.


Trước thềm năm học mới, ngành GD-ĐT tỉnh vẫn đang đứng trước không ít thách thức. Khó khăn lớn nhất là thiếu giáo viên, trong khi ngành vẫn đang phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, còn khoảng 10% HS tiểu học vẫn chưa được học 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất ở các địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, kinh phí chi thường xuyên của các trường còn hạn hẹp... Theo bà Hoàng Thị Lý, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng nhà trường, tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Sở GD-ĐT cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai, tập huấn về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, ngành tập trung quan tâm đối tượng HS yếu kém, vùng sâu vùng xa để rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và thành thị. Đặc biệt, ngành sẽ phát động phong trào nhân rộng những tấm gương điển hình. Mỗi trường sẽ xây dựng điển hình nhà giáo, HS để các giáo viên và HS khác học tập ngay trong chính ngôi trường của mình.


NGÂN TRÚC