06:08, 29/08/2019

Trẻ em dân tộc thiểu số: Được tăng cường tiếng Việt

Chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, từ trong hè, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số mầm non và tiểu học, giúp các em trang bị thêm vốn tiếng Việt để sẵn sàng tới trường.

Chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, từ trong hè, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) mầm non và tiểu học, giúp các em trang bị thêm vốn tiếng Việt để sẵn sàng tới trường.


Góp phần huy động trẻ ra lớp


Bà Trần Thị Ngọc Duyên - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Sơn cho biết, trong hè, toàn huyện có 18 lớp tăng cường tiếng Việt cho 312 trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1. Nhờ đó, khả năng nghe, hiểu, giao tiếp, phát âm, sử dụng từ ngữ của trẻ được cải thiện hơn, trẻ sử dụng tiếng Việt nhiều hơn trong các hoạt động tại lớp cũng như khi giao tiếp. Ngoài ra, trẻ còn được rèn luyện cách chào hỏi, thưa gửi, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè… Theo cô Nguyễn Thị Thừa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn), kết thúc đợt tăng cường tiếng Việt dịp hè, có hơn 80% trẻ đạt yêu cầu.

 

Trẻ em dân tộc thiểu số trong giờ học tăng cường tiếng Việt dịp hè 2019.

Trẻ em dân tộc thiểu số trong giờ học tăng cường tiếng Việt dịp hè 2019.


Huyện Khánh Vĩnh có 15/17 trường mầm non tổ chức tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS từ 3 đến 5 tuổi. Ông Trần Văn Trung - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, đến nay, đa số trẻ đều nhận diện được một số chữ cái tiếng Việt qua hình ảnh, đếm được số trong phạm vi 10, đặc biệt là tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, huyện còn có 15/16 trường tiểu học tăng cường tiếng Việt cho 696 trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1. Bước đầu, trẻ đã nhận diện được các chữ cái, trả lời được một số câu hỏi đơn giản...


Trong số 12 trường mầm non, 3 trường mẫu giáo của huyện Cam Lâm, có 4 trường tập trung đông trẻ mẫu giáo người DTTS đã tổ chức tăng cường tiếng Việt trong đợt hè vừa qua là: Vành Khuyên (xã Suối Cát), Sơn Ca (xã Cam Tân), Họa Mi (xã Sơn Tân) và Phong Lan (xã Cam Phước Tây). Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện cũng tổ chức 7 lớp tăng cường tiếng Việt cho 133 học sinh DTTS chuẩn bị vào lớp 1 các trường: Tiểu học Khánh Hòa - Jeju, Tiểu học Sơn Tân, Tiểu học Cam Tân, Tiểu học Cam Phước Tây. Ông Võ Bá Phụng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, đa số các em đã nắm bắt được nội dung chương trình học, hiểu và tiếp cận nhanh với việc đọc - viết chữ cái tiếng Việt, các bài hát, trò chơi, say mê và ưa thích đến lớp.

 

Trẻ em dân tộc thiểu số trong giờ học tăng cường tiếng Việt dịp hè 2019.

Trẻ em dân tộc thiểu số trong giờ học tăng cường tiếng Việt dịp hè 2019.


Tiếp tục quan tâm

 

Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT: Vài năm gần đây, nhờ được tăng cường tiếng Việt từ bậc học mầm non nên nhìn chung trẻ DTTS vào lớp 1 đã có thể nói thành thạo tiếng Việt. Khó khăn lớn nhất trong công tác này là đội ngũ giáo viên phải dành 1 đến 2 tháng nghỉ hè để dạy học. Ngoài việc thực hiện các chế độ hỗ trợ, các trường cũng động viên các giáo viên tham gia nhiệm vụ này để khi bước vào năm học mới sẽ nhẹ nhàng hơn.

Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT cho biết, hè năm nay, sở tiếp tục tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các địa phương có đông đồng bào DTTS là: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa. Các lớp tiếng Việt được tổ chức trong vòng 1 hoặc 2 tháng hè tùy điều kiện từng trường. Việc tổ chức cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 trong hè đã được thực hiện nhiều năm nay. Riêng cấp mầm non, đây là năm thứ 3 thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”. Cùng với việc tổ chức cho trẻ mầm non, tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường; tăng thời lượng dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết cho học sinh DTTS lớp 1; dạy tăng cường tiếng Việt theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động ngoại khóa...; việc tổ chức tăng cường tiếng Việt trong hè đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực. Trẻ giao tiếp bằng tiếng Việt tốt hơn, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt tăng hơn so với các năm trước.


Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo bà Trần Thị Ngọc Duyên, do không có chế độ hỗ trợ ăn trưa, trong khi đời sống các gia đình còn khó khăn, nhiều em có cha mẹ thường xuyên lên nương rẫy nên việc huy động và duy trì sĩ số so với kế hoạch mới chỉ đạt hơn 51%. Theo ông Trần Văn Trung, so với số trẻ mầm non cần được tăng cường tiếng Việt, số trẻ được huy động ra lớp mới chỉ có 906/1.319 trẻ, đạt 68,7%. Vẫn còn một số học sinh nói tiếng Việt chưa thành thạo, chưa mạnh dạn và còn rụt rè khi gặp các thầy, cô giáo… Sở GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, giám sát các lớp tăng cường tiếng Việt trong việc phân công giáo viên giảng dạy; xây dựng nội dung chương trình, thời khóa biểu; hỗ trợ tài liệu; thực hiện chế độ đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, dự giờ, thăm lớp tại một số điểm trường và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị…


NGÂN - TRÚC