03:06, 18/06/2019

Chương trình tiếng Anh 10 năm: Mở rộng ở nơi có điều kiện

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tỷ lệ dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm còn thấp so với cả nước. Việc mở rộng chương trình chỉ có thể thực hiện ở những nơi có điều kiện chứ chưa thể triển khai đại trà.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tỷ lệ dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm còn thấp so với cả nước. Việc mở rộng chương trình chỉ có thể thực hiện ở những nơi có điều kiện chứ chưa thể triển khai đại trà.


Còn nhiều khó khăn


Theo bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), 3 năm qua, nhìn chung các trường đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của sở về việc thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm trên toàn tỉnh và có những kết quả nhất định. Điển hình là kỹ năng giao tiếp của học sinh (HS) được chú trọng nhiều hơn; giáo viên (GV) tham gia giảng dạy chương trình đều được tập huấn và bồi dưỡng nâng cao năng lực để đạt chuẩn B2, C1 bậc 4, bậc 5 (theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam). Chương trình mới đã chú ý đến tính liên thông giữa các bậc học và sự tích hợp giữa các môn học, có những ưu điểm cả về nội dung, hình thức và phương pháp, hướng trọng tâm là phát triển kỹ năng giao tiếp, HS hoạt động theo cặp, nhóm. Nhiều trường cũng đã quan tâm cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy học.

 

Một hoạt động ngoại khóa tiếng Anh liên trường THCS tại TP. Nha Trang.

Một hoạt động ngoại khóa tiếng Anh liên trường THCS tại TP. Nha Trang.


Tuy nhiên, theo bà Lý, việc triển khai chương trình vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trình độ GV dù đã đạt chuẩn để dạy chương trình tiếng Anh 10 năm nhưng vẫn có một số GV khi đứng lớp còn bộc lộ những hạn chế trong việc dạy phát âm, còn nghiêng nhiều về dạy ngữ pháp. Điều này bắt nguồn từ những khiếm khuyết ngay khi GV được đào tạo trong các trường sư phạm, nên dù họ có cập nhật thì cũng chưa thể đáp ứng ngay việc dạy chương trình mới. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cũng nêu ra rất nhiều điều kiện đảm bảo dạy và học, nhưng thực tế những năm qua, thiết bị dùng cho học tiếng Anh rất hạn chế. Với một lớp học sĩ số trung bình 40 - 45 em thì việc đổi mới phương pháp với GV là quá vất vả. Bên cạnh đó, việc tập huấn đổi mới phương pháp cũng chưa được thường xuyên.


TP. Nha Trang bắt đầu triển khai chương trình dạy thí điểm Đề án Ngoại ngữ quốc gia đối với khối 6 từ năm học 2016 - 2017 ở 2 trường THCS là Nguyễn Công Trứ và Thái Nguyên. Đến năm học 2018 - 2019, có thêm 5 trường THCS triển khai (ở các khối 6, 7, 8) là: Võ Văn Ký, Võ Thị Sáu, Nguyễn Hiền, Trưng Vương, Âu Cơ. GV một trường THCS tại thành phố nhận định, chương trình mới có mục tiêu cao hơn, đổi mới về phương pháp, khác biệt về giáo trình nhưng lại được giảng dạy trong điều kiện vật chất như cũ, số lượng tiết học như cũ gây không ít khó khăn cho cả HS và GV. Số lượng HS trong lớp đông nên việc tổ chức dạy học của GV gặp khó khăn khi vận dụng các phương pháp dạy học tích cực. Chương trình dài với nhiều kiến thức ngữ pháp hàn lâm, trong khi thời lượng 3 tiết/tuần là rất ít. GV không tương tác với HS, HS không được tương tác với nhau nên môn học này thiếu tính trao đổi để rèn luyện kỹ năng. Chưa kể đầu vào HS lớp 6 có trình độ tiếng Anh không đồng đều nên vẫn còn nhiều HS không theo kịp.


Xây dựng lộ trình cụ thể

 

Toàn tỉnh hiện có 34/119 trường THCS (tỷ lệ 28%) giảng dạy chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia, nhưng số lượng HS học chỉ đạt 7%. Cấp THPT thực hiện ở 22/31 trường (73%) nhưng số lượng HS học chỉ đạt 13%.

Mới đây, Sở GD-ĐT đã có chỉ đạo cụ thể đối với các phòng GD-ĐT và các trường THPT trong việc thực hiện Chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia và chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, đối với HS đã học liên tục tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5 thì khi lên lớp 6 sẽ được học chương trình tiếng Anh 10 năm. Những em còn lại sẽ theo học chương trình tiếng Anh 7 năm. Sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường chủ động tổ chức bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn để nâng cao hiệu quả giảng dạy theo hướng giao tiếp cho GV tiếng Anh, đồng thời xây dựng lộ trình để thực hiện chương trình này đại trà ở các trường trực thuộc.


Đối với các trường THPT đã và đang thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia từ lớp 10, Sở GD-ĐT đề nghị các trường phải tiếp tục thực hiện ở khối lớp 11 và 12; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đối với tối đa các lớp khối 10 năm học 2019 - 2020. Đối với các trường chưa thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm thì trong năm học tới, mỗi trường chọn tối thiểu 2 lớp tham gia; riêng Trường THPT Khánh Sơn (huyện Khánh Sơn) và THPT Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) chọn tối thiểu 1 lớp/trường. Các trường này phải có cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định, có đội ngũ GV được bồi dưỡng đạt yêu cầu về năng lực và phương pháp dạy học tiếng Anh. Bên cạnh đó, tùy tình hình thực tế mà các trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học sao cho phù hợp. Các tổ, nhóm cũng cần tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Sở GD-ĐT sẽ tiến hành tập huấn về phương pháp giảng dạy cho GV của các trường tham gia chương trình tiếng Anh 10 năm vào tháng 8 tới.


H.NGÂN