10:04, 11/04/2018

Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018: Chọn ngành nào?

Tuy thời điểm đăng ký dự thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 đã bắt đầu từ ngày 1-4, nhưng đến nay nhiều thí sinh vẫn còn khá thận trọng trong việc nộp hồ sơ đăng ký.

Tuy thời điểm đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 đã bắt đầu từ ngày 1-4, nhưng đến nay nhiều thí sinh vẫn còn khá thận trọng trong việc nộp hồ sơ đăng ký.


Cân nhắc kỹ các yếu tố


Tuy thích ngành kế toán, nhưng nghe nói ngành này đã bão hòa, học khô khan, ra trường lại khó xin việc nên em Phan Thị Cẩm Thư - Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang) vẫn phân vân. Trong khi đó, em Nguyễn Văn Trọng - Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Nha Trang) cho biết: “Em chưa quyết định sắp xếp thứ tự ưu tiên các ngành và các trường ra sao. Bởi trường em thích thì điểm chuẩn cao; trường điểm thấp hơn thì không biết học xong có dễ xin việc làm hay không…”.

 

Học sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018.

Học sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018.


Thực tế, ở khối 11, học sinh (HS) đã được hướng nghiệp giáo dục phổ thông với thời lượng 105 tiết. Song thực tế, phần lớn các em vẫn còn lúng túng khi chọn ngành, chọn trường. Tại các buổi hướng nghiệp, có những câu hỏi cho thấy HS còn khá mơ hồ về ngành học, không hình dung được ngành này sẽ được học những gì, cần những tố chất gì, ra trường có thể làm việc ở đâu. Có em nghe nói một số ngành học nhàm chán, khô khan nên dù thích cũng không dám đăng ký. Có em khác lại được khuyên không nên học ngành này hay ngành kia vì khó xin việc làm, nhiều người học xong thất nghiệp…


Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20-4 là hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Quy chế cho phép thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng; sau khi có kết quả thi THPT, các em được điều chỉnh nguyện vọng duy nhất một lần. Tuy nhiên, đây cũng là điều thí sinh cần cân nhắc kỹ, tùy theo lực học và sở thích của mình mà sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng xét tuyển theo ngành yêu thích nhất từ trên xuống.


Tại một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mới đây, GS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, thí sinh cần cân nhắc kỹ các yếu tố: sở thích, sở trường, cơ hội trúng tuyển và nhu cầu xã hội chứ không nên chọn các ngành không phù hợp, chỉ cốt bằng mọi cách vào được đại học. Còn TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khuyên, không có ngành học nào nhàm chán. Nếu thí sinh không yêu thích, không đam mê, chọn ngành không phù hợp thì tất cả ngành học đều nhàm chán. Ngược lại, nếu chọn ngành hot, thời thượng nhưng không phù hợp với bản thân thì cũng khó thành công.


Cần đa dạng các hình thức hướng nghiệp


Thầy Phan Ngọc Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) cho biết, việc định hướng nghề nghiệp cho HS được nhà trường thực hiện từ lớp 10. Nhà trường cho các em đăng ký nguyện vọng phù hợp với việc thi THPT quốc gia nhưng linh động cho điều chỉnh nguyện vọng sau một năm học nếu cảm thấy không phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm tới công tác thông tin về nghề nghiệp cho HS như: kết nối HS với các cựu HS hiện nay là sinh viên, giảng viên của các trường đại học để tạo thông tin chính xác về môi trường học tập, giúp các em biết mình cần trang bị những gì trước khi bước vào giảng đường đại học. Chẳng hạn như cho HS tham quan cơ sở vật chất, trải nghiệm cuộc sống học tập như sinh viên, hoặc đưa lên trang facebook của trường thông tin, kết nối HS cũ và mới. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tăng cường tư vấn cho HS và phụ huynh, giúp các em có những lựa chọn phù hợp với sở thích và sở trường… Nhờ những giải pháp đó, những năm qua, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng của trường hàng năm đều đạt hơn 85%. Trường cũng nằm trong top 200 trường THPT có điểm vào đại học cao nhất cả nước.


Theo lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa), vẫn còn tình trạng HS đăng ký ngành nghề theo phong trào, theo số đông bạn bè. Do vậy, cần có nhiều hơn nữa những hội thảo, hoạt động cung cấp thông tin nhu cầu thị trường lao động; những hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương cũng như các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường theo hướng “học” gắn với “hành”… Có như vậy, HS mới có được sự tự tin, chủ động khi chọn ngành nghề.


H.NGÂN