10:02, 08/02/2018

Góp phần đánh giá thực trạng đội ngũ nhà giáo

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Trung học cơ sở TP. Nha Trang năm học 2017 - 2018 là dịp để đội ngũ nhà giáo trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức lớp học, đồng thời giúp các cấp quản lý phát hiện những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ để điều chỉnh trong công tác quản lý.

Hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi cấp THCS TP. Nha Trang năm học 2017 - 2018 là dịp để đội ngũ nhà giáo trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức lớp học, đồng thời giúp các cấp quản lý phát hiện những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ để điều chỉnh trong công tác quản lý.


Nhiều tiến bộ hơn


Tại hội thi, 118 GV đến từ 25 trường THCS đã tham dự 3 phần thi. Ở phần thi sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu sư phạm ứng dụng, có hơn 98% đề tài đạt yêu cầu đề ra, trong đó một số đề tài được đánh giá là có sự đầu tư nghiên cứu khá công phu và thuyết phục. Kết quả phần thi kiểm tra năng lực (trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận) về những kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành… được đánh giá tốt hơn so với hội thi trước.

 

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang trao chứng nhận  cho các giáo viên dạy giỏi.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang trao chứng nhận cho các giáo viên dạy giỏi.


Tiêu điểm của hội thi là phần thực hành giảng dạy. Mỗi GV thi giảng 2 tiết trên lớp, bao gồm 1 tiết tự chọn và 1 tiết bắt buộc. Theo ông Cao Đình Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi, đa số GV đã xác định đúng trọng tâm của bài dạy, nội dung trình bày có hệ thống, lồng ghép liên hệ thực tiễn hợp lý. Đa số GV kết hợp khá nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy trong hoạt động dạy học, tạo ra tình huống có vấn đề, phát huy tính tích cực, chủ động, hứng thú của học sinh (HS). Nhiều GV đã sáng tạo, linh hoạt trong việc vận dụng đặc trưng phương pháp bộ môn phù hợp với nội dung bài dạy, sử dụng các đoạn phim, hình ảnh, bản đồ, sơ đồ... sinh động để minh họa cho bài dạy nhằm thu hút HS.


Các GV cũng có nhiều cố gắng trong việc tổ chức HS làm việc theo tổ, nhóm, giải quyết tình huống có vấn đề, sử dụng phiếu học tập, làm bài tập trắc nghiệm, giúp HS phát triển tư duy, rèn kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ. Việc trình bày bảng của GV có nhiều tiến bộ so với hội thi lần trước, thể hiện ở cách trình bày đẹp, khoa học giúp tiết kiệm thời gian lên lớp. Điểm nổi bật trong hội thi lần này là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng được nhiều GV chú trọng và sử dụng phổ biến với kỹ năng, thao tác thuần thục, góp phần nâng cao chất lượng, kết quả giờ dạy. Đặc biệt, nhiều bài giảng đã sử dụng bản đồ tư duy giúp HS dễ dàng hệ thống hóa kiến thức. Thông qua các tiết giảng, đa số GV đã làm tốt việc rèn luyện kỹ năng cho HS, từ phát hiện, nhận biết, vận dụng kiến thức đến việc sửa sai những lỗi thường gặp ở từng bộ môn…


Rút kinh nghiệm những mặt hạn chế

 

Ngày 7-2, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang tổ chức tổng kết hội thi. Kết quả, có 101 GV đạt GV giỏi THCS cấp thành phố. Trong đó, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - GV môn Hóa học, Trường THCS Võ Văn Ký là người duy nhất được xếp loại xuất sắc. Ngoài ra, có 45 GV đạt loại giỏi ở cả 2 tiết thi giảng. Về giải toàn đoàn, giải nhất thuộc về Trường THCS Thái Nguyên; giải nhì: THCS Bạch Đằng; giải ba: THCS Trần Hưng Đạo; giải khuyến khích: THCS Âu Cơ và THCS Võ Thị Sáu.

Thông qua hội thi, nhiều vấn đề còn hạn chế cũng được phát hiện để có hướng chấn chỉnh kịp thời. Theo ban tổ chức, ở một số tiết dạy, phần ứng dụng công nghệ thông tin còn mang tính lạm dụng theo hình thức trình chiếu, đưa nhiều hình ảnh không cần thiết, kết hợp giữa giảng và trình chiếu chưa hợp lý. Vẫn có tiết dạy không tránh khỏi dàn trải, áp đặt kiến thức, chưa làm nổi bật nội dung trọng tâm của bài. Một số tiết GV còn làm việc nhiều, nặng về thuyết giảng, chưa bao quát lớp; tổ chức hoạt động học tập chưa thật hiệu quả do hình thức tổ chức đơn điệu, xác định nội dung cần thảo luận chưa hợp lý. Việc sử dụng hệ thống câu hỏi còn vụn vặt, chưa phát huy tốt tính tích cực đối với HS trung bình và yếu; kiến thức còn dài trải và thời gian phân bổ chưa hợp lý trong 45 phút lên lớp, nhất là phần hướng dẫn HS chuẩn bị bài ở nhà. Một số tiết dạy GV chưa vận dụng kiến thức cũ có liên quan trong quá trình hình thành kiến thức mới để giúp HS ôn luyện, tiếp thu bài.

Bên cạnh đó, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học chưa được GV thể hiện rõ nét ở một số tiết dạy xếp loại khá. Khi lên lớp, GV vẫn còn quá lệ thuộc vào sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy nên tiết dạy chưa sáng tạo, tính hệ thống chưa cao, chưa có sự liên kết giữa các nội dung kiến thức và còn lúng túng trong xử lý các tình huống. Ở một số tiết, việc quan tâm đến mọi đối tượng HS trong lớp còn hạn chế. Một số GV hầu như chỉ gọi HS giơ tay phát biểu mà chưa hỏi những HS năng lực học tập yếu. Việc chú trọng rèn luyện cho HS kỹ năng dựng ảnh, chỉ bản đồ, viết công thức cấu tạo, khả năng cảm thụ văn bản… ở một số tiết chưa thật tốt. Một số tiết dạy Mỹ thuật khai thác đồ dùng dạy học chưa hợp lý. Phần ghi bảng và trình chiếu trong một số tiết môn Ngữ văn chưa khoa học; xử lý tình huống chưa hợp lý; hình ảnh minh họa chưa sát và tổ chức hoạt động nhóm còn hình thức. Môn Toán có một số tiết GV đưa trò chơi bổ trợ kiến thức gây quá tải cho HS và hệ thống câu hỏi chưa rõ ràng. Môn Lịch sử vẫn còn tình trạng chiếu - chép… “Hội thi đã giúp các cấp quản lý phát hiện những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ; từ đó, có những điều chỉnh trong chỉ đạo, quản lý và đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên môn nòng cốt của cấp học”, ông Cao Đình Trung cho biết.


H.NGÂN