20:43, 25/04/2023

Hoa học trò

THỦY NGÂN

Từ khi nào người ta đã mặc định hoa phượng là hoa của học trò. Cứ đến đầu tháng 5, khi những chùm phượng đầu mùa đỏ chói bắt đầu e ấp trong vòm lá xanh là những tâm hồn học trò trở nên nao nức. Chuẩn bị kết thúc năm học rồi, các cô cậu cuối cấp lo về một kỳ thi, còn đám học trò đầu cấp thì mơ về 3 tháng hè được ngủ đẫy mắt, không còn phải thức khuya dậy sớm, ngồi sau lưng ba mẹ chở tới trường vừa tranh thủ gặm ổ bánh mì…

Hoa phượng gắn với bao buồn vui của lứa tuổi học trò, gắn với biết bao rung động đầu đời trong veo. Ai cũng từng trải qua tuổi học trò, hầu như góc sân trường nào cũng có cây phượng già bầu bạn với bao thế hệ. Ai đã từng thơ thẩn giờ ra chơi, ngắm phượng đỏ với bao nỗi niềm vu vơ? Tôi chắc trong mỗi chúng ta lớn nhỏ gì trong đời cũng có lần nghêu ngao mấy câu trong bài Phượng hồng của Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân: Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu/Chùm phượng vỹ em cầm tuổi tôi mười tám/Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”. Hoặc da diết, tình cảm của đôi trai gái lỡ một kỳ thi đại học, để gặp nhau trên công trường trong Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý:Thấy mùa phượng vỹ, hai đứa ngỡ mùa thi/Đúng ngày phượng nở hai đứa mình cùng đi…”. Chỉ thắc mắc chút là hoa phượng thực ngoài đời đỏ cháy như lửa, sao ông nhà thơ kia lại gọi là phượng hồng?

<img alt="" hideclass="" data-cke-saved-src="/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/042023/hoa_phuong_20230425154536.jpg" src="/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/042023/hoa_phuong_20230425154536.jpg" style="float: center">

Ngày đó ngôi trường huyện tôi học có mấy dãy nhà cấp 4 rêu phong, góc sân trường có hàng cây phượng già. Đám bạn tôi vô tư mong ngóng những ngày hè. Những mùa hè bình yên với bao trò nghịch ngợm cứ trôi đi. Năm học cuối cấp, khi tiếng ve sôi lên trong vòm lá và thấp thoáng những chùm phượng đỏ cháy rực như những đốm lửa, cả đám bạn chợt trở nên ưu tư hơn trước những dự định tương lai. Phía trước là 2 kỳ thi đang chờ đón: Thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học. Thời ấy đậu được vào đại học là điều thiêng liêng, to tát lắm. Thời trước mở cửa, đại học đâu có tràn lan như bây giờ, học trò cũng chỉ được ghi danh thi vào 1 trường đại học. Nếu trượt đại học thì nguyện vọng 2 là chọn 1 trường trung cấp dạy nghề. Ngặt nghèo vậy nên đứa nào cũng lo, mà thời ấy chưa có những lò luyện thi đại học như bây giờ.

Tuổi học trò mộng mơ, lo cho tương lai là vậy, nhưng vẫn dành thời gian ghi lưu bút cho nhau, dòng lưu bút nào cũng chúc nhau toại nguyện ước mơ được đặt chân vào giảng đường đại học. Vẫn lén ép một nhành phượng đỏ vào cuốn sổ lưu bút để tặng nhau… Tuổi thơ trong veo đã trôi đi như thế.

Nhiều khi lẩn thẩn, tôi hay so sánh học trò thời xưa với thời nay, thế hệ nào… sướng hơn? Thời nay, cuộc sống quá phát triển, điều kiện vật chất quá đủ đầy nhưng chắc gì đã sướng hơn cái thời thiếu thốn đã qua? Ít nhất thì học trò bây giờ không có được tâm trạng náo nức đón chờ mùa hè khi thấy tiếng ve râm ran và những chùm phượng đỏ, bởi hè hay không hè thì cũng học thêm như nhau, đâu có gì khác biệt. Làm sao học trò thời nay được sống trong cảm giác sung sướng nghỉ hè là quên đi bài vở, chạy chơi cho sướng như thời của nhà thơ Xuân Tâm: “Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ/Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông/Trên đường làng huyết phượng nở thành bông/Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt…”.

Tháng 5 đến rồi, những chùm phượng đầu mùa đã cháy lên như những đốm lửa nhỏ. Bao lứa học trò lại chuẩn bị đón một mùa hè mới. Nhưng cảm xúc đón mùa hè về có lẽ giờ đã rất khác.

Cứ mãi nhớ một thời hoa học trò gắn với những cảm xúc trong veo.

Thủy Ngân