10:10, 20/10/2021

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong án tham nhũng, kinh tế: Còn nhiều khó khăn

Năm 2021, số việc phải thi hành liên quan đến tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của ngành Thi hành án dân sự tỉnh tăng nhiều so với trước, nhưng giá trị thu hồi được rất thấp do có nhiều vướng mắc, bất cập.  
 

Năm 2021, số việc phải thi hành liên quan đến tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh tăng nhiều so với trước, nhưng giá trị thu hồi được rất thấp do có nhiều vướng mắc, bất cập.  
 
Số tiền phải thi hành cao, giá trị thu hồi thấp 
 
Ông Nguyễn Thái Hổ - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, năm 2021, có tổng cộng 16 việc với hơn 190 tỷ đồng phải thi hành liên quan đến các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, năm 2020 chuyển sang 3 việc với khoảng 16 tỷ đồng; 13 việc với khoảng 174 tỷ đồng thụ lý trong năm nay, tăng rất nhiều so với trước. 
 
Tuy nhiên, qua xác minh phân loại, có hơn 108 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành; có việc nhiều năm chưa thi hành xong. Cụ thể như trường hợp người phải thi hành án Phùng Thế Thuận ở TP. Cam Ranh, từ năm 2000 đến nay còn gần 18 triệu đồng nhưng chưa thu hồi được. Trong hơn 81 tỷ đồng có điều kiện thi hành, ngành mới thu hồi xong hơn 5,2 tỷ đồng, đang thi hành 8 việc với khoảng 75,8 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, chỉ cần xác minh người phải thi hành án có tài sản, dù rất ít so giá trị phải thi hành thì vẫn tính vào số việc có điều kiện thi hành. Như trong vụ án chiếm đoạt tiền từ tài khoản tiết kiệm xảy ra tại thị xã Ninh Hòa, Lưu Thị Thanh Linh phải thi hành 45 tỷ đồng, qua xác minh, hiện chỉ còn 1 xe tải là tài sản chung vợ chồng. Vụ tham ô xảy ra tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines cũng mới thu hồi được hơn 3 tỷ đồng từ Trần Hải Sơn và Phạm Bá Giáp; 16 tỷ đồng còn lại, chưa xác minh được tài sản để thi hành.
 
Đặc biệt, năm nay, nhiều việc phải thi hành với giá trị rất lớn lại do các địa phương khác ủy thác đến Khánh Hòa, không phải phát sinh từ tỉnh. Ví dụ, người phải thi hành án Trịnh Xuân Thanh có nghĩa vụ hoàn trả gần 91 tỷ đồng, được Cục THADS TP. Hà Nội ủy thác do người này có 1 căn hộ tại Khánh Hòa. Đến nay, việc này cũng chưa thi hành được do Khánh Hòa thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19; nhưng cho dù thi hành xong thì giá trị thu hồi từ căn hộ cũng chỉ khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Hay người phải thi hành án Thái Bình Dương ở thị xã Ninh Hòa được Cục THADS tỉnh Bình Phước ủy thác thi hành gần 21 tỷ đồng, xác minh cho thấy chưa có điều kiện thi hành.

 

Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh lập biên bản cưỡng chế giao tài sản tại phường Phương Sơn, TP. Nha Trang. (Ảnh chụp trước năm 2021)
Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh lập biên bản cưỡng chế giao tài sản tại phường Phương Sơn, TP. Nha Trang. (Ảnh chụp trước năm 2021)
 
 
Nhiều vướng mắc
 
Theo lãnh đạo Cục THADS tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Đó là, người phải thi hành án có xu hướng chuyển tài sản cho người khác đứng tên sở hữu. Trong khi đó, quy định về sở hữu tài sản chưa thật chặt chẽ, cơ quan THADS không có cơ sở thu hồi. Đến giai đoạn thi hành án, chỉ còn lại những tài sản đã được kê biên mà thời điểm kê biên lại chỉ áp dụng từ khi khởi tố bị can, trong khi hành vi tham nhũng có thể đã được phát hiện từ hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, phản ánh, tố cáo... trước đó. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại; nhưng khi khởi tố bị can về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chưa thể xác định ngay thiệt hại để quyết định phần tài sản phải kê biên. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thể chưa áp dụng kê biên, phong tỏa. Ngoài ra, khi chấp hành án về, người phải thi hành án rất khó có thu nhập để thi hành về tiền, nhất là khi số tiền phải thi hành án lớn. Quá trình xử lý tài sản thu hồi có rất nhiều thủ tục (thông báo kê biên, thông báo định giá…) và đều phải thông báo cho người phải thi hành án. Nếu người này chấp hành án ở xa thì việc thông báo cũng khó khăn. 
 
Bên cạnh đó, năm nay, nhiều việc được thụ lý vào lúc bùng phát dịch Covid-19 nên gặp khó khăn trong xác minh, xử lý tài sản. Một số tài sản chưa thể tổ chức kê biên do phải mời nhiều cơ quan phối hợp tham gia. Một số tài sản đã kê biên cũng chưa thể đưa ra bán đấu giá. Một số việc sau khi thụ lý, xác minh tại các cơ quan đăng ký tài sản để xử lý thi hành án đã xác định người phải thi hành án không có tài sản.
 
Ông Nguyễn Thái Hổ cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo chấp hành viên tăng cường xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản để khẩn trương thu hồi khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Về lâu dài, để việc thu hồi tài sản loại này đạt kết quả cao, ngành rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đặc biệt là sự tham gia đắc lực của cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản từ giai đoạn đầu. Ngành cũng kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đăng ký tài sản quốc gia để khi áp dụng phong tỏa tài sản, các cơ quan có thể truy cập thông tin đầy đủ, nhanh nhất; đồng thời, cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; khắc phục các vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản…
 
NGUYỄN VŨ