10:03, 31/03/2021

Chiếm đất rừng ở Khánh Thượng

Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích rừng trồng của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa), nhất là ở địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh) liên tục bị người dân phát chiếm để lấy đất sản xuất. 
 

Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích rừng trồng của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa), nhất là ở địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh) liên tục bị người dân phát chiếm để lấy đất sản xuất. 
 
Nhiều vụ lấn chiếm
 
Chiều 29-3, khi đến tìm hiểu tình trạng phát chiếm rừng trồng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại khu vực thôn Đa Râm (xã Khánh Thượng), chúng tôi phát hiện 2 đối tượng giả vờ đi chăm sóc rừng keo bên cạnh nhưng tranh thủ lúc tối trời liền tiến hành phát rừng. Khi phát hiện có người, 2 đối tượng liền ném rựa vào bụi cây, rồi mang bình xịt đi bộ xuống núi. Tại đây, ước chừng vài chục mét vuông rừng đã bị phát dọn, một số cây đã bị chặt hạ.  

 

Diện tích rừng trồng từ năm 1999 của Công ty Lâm sản Khánh Hòa  tại thôn Đa Râm bị người dân phát chiếm để lấy đất canh tác.
Diện tích rừng trồng từ năm 1999 của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại thôn Đa Râm bị người dân phát chiếm để lấy đất canh tác.
 
Trước đó, ngày 19-3, trong lúc tuần tra tại khu vực rừng trồng năm 1999 của Công ty Lâm sản Khánh Hòa, Đội Quản lý bảo vệ rừng Cầu Bà và lực lượng xã Khánh Thượng phát hiện hơn 3.970m2 rừng trồng tại lô 10 khoảnh 7, tiểu khu 166 đã bị ông Cao Ngô (thôn Đa Râm) lấn chiếm, phát dọn, chặt hạ 8 cây dầu để lấy đất sản xuất. Qua làm việc với chính quyền địa phương, ông Cao Ngô thừa nhận việc làm của mình là sai trái và cam kết trả lại toàn bộ đất đã phát chiếm, không đốt dọn, không trồng trỉa để rừng tái sinh. Một ngày sau, cũng tại tiểu khu 166, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện ông Pi Năng Gia Lai (thôn Đa Râm) đang phát dọn, lấn chiếm hơn 4.910m2 rừng trồng năm 2003 của Công ty Lâm sản Khánh Hòa. Ngoài phát dọn để lấy đất canh tác, hộ ông Pi Năng Gia Lai còn chặt hạ 56 cây dầu. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Pi Năng Gia Lai đã thừa nhận hành vi vi phạm.

 

Những cây dầu trong diện tích rừng trồng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại khu vực thôn Đa Râm bị chặt hạ.
Những cây dầu trong diện tích rừng trồng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại khu vực thôn Đa Râm bị chặt hạ.
 
Ngoài 2 trường hợp nói trên, khu vực rừng trồng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa tại khu vực Đa Râm còn xảy ra một số vụ lấn chiếm khác nhưng cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm, như trường hợp hơn 5.000m2 rừng trồng năm 2003 tại lô 8, khoảnh 5, tiểu khu 166 bị phát chiếm ngày 23-3. Ông Phạm Văn Tâm - Đội phó Phụ trách Đội Quản lý bảo vệ rừng Cầu Bà cho biết: “3 tháng đầu năm nay, tình trạng phát chiếm rừng trồng tại khu vực xã Khánh Thượng diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã lập 13 biên bản liên quan đến việc phá rừng trồng trái pháp luật tại tiểu khu 166, 172 với tổng diện tích 6,59ha; lập 6 biên bản liên quan đến các hộ trồng keo, lúa, bắp sau khi phá rừng trồng trái pháp luật tại tiểu khu 188 với tổng diện tích 5,17ha”.
 
Đóng chốt giữ rừng
 
Ông Phạm Văn Tâm cho biết, hàng năm, cứ vào thời điểm này, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương lại phát dọn nương rẫy, tình trạng phát chiếm rừng trồng của công ty lại rộ lên. Với tình trạng này, đội đã bố trí 3 người/ngày để lập chốt, tuần tra bảo vệ ngay khu vực rừng trồng các năm 1999, 2000, 2003 của công ty. Từ khi đóng chốt, các trường hợp phát chiếm, đốt dọn rừng trồng tại khu vực Đa Râm đã được ngăn chặn kịp thời.
 
Theo ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là rừng trồng trong lâm phận của công ty diễn biến phức tạp. Ngoài địa bàn xã Khánh Thượng, tình trạng này còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác như: Xã Khánh Thành 9 vụ, xã Khánh Phú 3 vụ, xã Sông Cầu 4 vụ. Công ty đã chỉ đạo các đội quản lý bảo vệ rừng đóng chốt tại những khu vực có nguy cơ cao bị lấn chiếm; tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phối hợp tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng vi phạm.
 
HẢI LĂNG