11:05, 18/05/2020

"Đóa hoa" của núi rừng ba cụm bắc

6 năm làm trưởng thôn, chị Cao Thị Nương (31 tuổi) luôn nhận được sự tín nhiệm của người dân thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn). Điểm nổi bật ở chị là sự nhiệt huyết, luôn đi đầu trong công tác hội, đoàn thể ở địa phương, nói đi đôi với làm.

6 năm làm trưởng thôn, chị Cao Thị Nương (31 tuổi) luôn nhận được sự tín nhiệm của người dân thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). Điểm nổi bật ở chị là sự nhiệt huyết, luôn đi đầu trong công tác hội, đoàn thể ở địa phương, nói đi đôi với làm.


Ông Đỗ Huy Hiệp - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết, năm 2014, chị Cao Thị Nương được bầu làm trưởng thôn, là một trong những trưởng thôn trẻ của huyện Khánh Sơn lúc bấy giờ. Sau đó, chị tiếp tục đảm nhiệm thêm chức vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, kiêm tổ trưởng tổ vay vốn. Khi ấy, lãnh đạo xã Ba Cụm Bắc cũng lo chị còn trẻ tuổi, có làm được việc không? Nhưng với sự năng nổ, nhiệt tình, chị Nương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nhận được sự tín nhiệm cao của người dân trong thôn.

 

Chị Cao Thị Nương chăm sóc ruộng mía tím.

Chị Cao Thị Nương chăm sóc ruộng mía tím.


Với đặc thù địa bàn miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai), để vận động, thuyết phục người dân, người làm công tác tuyên truyền phải thực sự am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của người dân, luôn sâu sát gắn bó với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất biện pháp tháo gỡ kịp thời. Hiểu những điều này, chị Nương cùng những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể của thôn, xã liên tục đi tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, loại bỏ các hủ tục mê tín dị đoan trong đời sống, giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới. Chị đã tích cực hướng dẫn chị em trong Tổ tiết kiệm vay vốn thôn A Thi sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Nhờ đó, trong tổ vay vốn do chị phụ trách không có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn; đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Nếu như năm 2019 trong thôn có gần 100 hộ nghèo thì hiện nay chỉ còn 60 hộ nghèo.


Chị Mấu Thị Quốc Chương, người dân thôn A Thi nhận xét: “Chị Cao Thị Nương tuy còn trẻ nhưng làm được rất nhiều việc; luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương, từ việc phòng ngừa nạn tảo hôn, giảm nghèo, đến các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, truyền dạy các bài biểu diễn Mã La cho người trẻ trong xã… Chị Nương luôn nói đi đôi với làm nên bà con tin tưởng lắm! Gia đình tôi thoát được nghèo cũng nhờ sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của chị Nương”.


Chị Nương chia sẻ: “Trong công việc, tôi luôn học Bác ở tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm. Là trưởng thôn, mình phải làm gương cho người dân, phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hiệu quả thì người dân mới tin và làm theo. Cũng nhờ chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang trồng mía tím, trồng cây lâm nghiệp nên đời sống của gia đình mình khá hơn trước. Năm qua, gia đình mình lãi được gần 100 triệu đồng từ việc trồng keo, mía tím. Có vốn, mình tiếp tục mua cây sầu riêng giống về trồng; vợ chồng mình tính sẽ chuyển đổi toàn bộ hơn 2,5ha đất sang trồng cây ăn quả”. Theo chị Nương, người dân trong thôn càng tin tưởng thì chị càng phải nỗ lực, chỉ mong có thể góp thêm một phần nhỏ công sức vào các hoạt động của địa phương, nhất là phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng thôn A Thi.


 Năm 2017, chị Nương vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2018, chị vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen. Chị xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là “đóa hoa” của núi rừng Ba Cụm Bắc.


HẢI LĂNG