10:04, 23/04/2020

Cam Lâm: Tăng cường các giải pháp chống hạn

Trước tình hình khô hạn hiện nay, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) dự kiến ngưng sản xuất gần 3.000ha lúa hè thu, đồng thời vận động người dân tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt.

 

Trước tình hình khô hạn hiện nay, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) dự kiến ngưng sản xuất gần 3.000ha lúa hè thu, đồng thời vận động người dân tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt.


Khan hiếm nguồn nước


Những ngày này, tình trạng khô hạn, thiếu nước đã bắt đầu lan rộng tại một số địa phương khu vực giáp núi phía tây huyện Cam Lâm như: Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Nam… Trên các cánh đồng, nông dân tập trung bơm nước tưới cứu xoài, hoa màu. Tuy nhiên, nhiều nơi mực nước các dòng suối xuống rất thấp, nhiều điểm đào vét ao trơ đáy.

 

Ông Trần Chí (thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam) cho biết, chưa có năm nào hạn nặng như năm nay. Đến thời điểm này, các dòng suối trong khu vực không còn nước, việc đào ao cũng bế tắc vì không có nước. Hiện nay, để bơm tưới 1,5ha xoài giống Đài Loan và Úc thời kỳ ra quả, ông phải mất 4 ngày mới tưới xong, trong khi những năm trước chỉ cần 1 ngày. Với đà này, năng suất và chất lượng quả xoài cũng giảm theo. Ông đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí đào giếng khoan giúp nông dân chống hạn, bởi chi phí khoan giếng hiện nay khá cao (4,5 triệu đồng/m sâu), nông dân không kham nổi.


Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho hay, nước sinh hoạt ở xã cơ bản đảm bảo vì đã có Trạm tăng áp tại Cam An Nam hoạt động. Chỉ còn 4km đường ống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư chưa triển khai giai đoạn 2 nên người dân còn thiếu nước sạch cục bộ. Về sản xuất, toàn xã có 200ha mía, 300ha mì, gần 400ha xoài… nhưng tình hình thiếu nước khá nghiêm trọng. Xã dự kiến vận động người dân nạo vét 150 ao, hồ; đào mới 30 - 50 cái, cân đối kinh phí ngân sách xã hỗ trợ 500.000 đồng/ao nạo vét, 1 triệu đồng/ao đào mới. Ngoài ra, xã còn vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, xây dựng bể dự trữ nước, đào ao lót bạt tưới cho cây ăn quả…

 

Ao hồ tại Cam Hiệp Nam trơ đáy.

Ao hồ tại Cam Hiệp Nam trơ đáy.

 

Khu vực Cam An Bắc, tâm điểm của khô hạn cũng trong tình trạng thiếu nước gay gắt. Ông Nguyễn Oai (Triệu Hải, Cam An Bắc) cho hay, nước sinh hoạt thì không lo bởi đã có nước sạch nhà máy từ Cam Ranh kéo về. Trong khi đó, nước giếng không thể dùng được vì cạn kiệt vài tháng qua. Riêng tình hình sản xuất hiện nay khá khó khăn vì không có nước tưới. Ông đang chuẩn bị khá nhiều hom mì để trồng khi có mưa nhưng vẫn lo nếu nắng hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống.


Theo ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc, các nguồn nước như nước máy, nước giếng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Khó khăn nhất là nước phục vụ sản xuất. Nhiều khe suối, ao hồ đã xuống mực nước chết. May mắn là vụ mía, mì đã kết thúc sớm nên hạn chế thiệt hại. Hiện nay, ở một số khu vực, nông dân đang tranh thủ kéo ống nước từ một số dòng suối còn nước để bơm tưới cho cây trồng. Ban Quản lý Đầu tư và thủy lợi 7 cũng đang khởi động lại các gói thầu kênh mương thuộc hệ thống hồ Tà Rục. 


Nhiều giải pháp chống hạn


Lãnh đạo huyện Cam Lâm nhận định, hiện nay, các hồ chứa nước trên địa bàn đang ở mức thấp (hồ Cam Ranh còn 20%, hồ Suối Dầu còn 21% dung tích), nếu thời gian tới không có mưa, các hồ này chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho một số khu vực. Dự báo nhu cầu thiếu nước sinh hoạt mùa hạn khoảng 3.550 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu tại các xã: Cam Hòa, Cam Hiệp Nam, Cam Tân, Suối Cát và Cam An Nam.


Trước tình hình đó, huyện vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường sửa chữa, khơi thông các nguồn nước, hệ thống cấp nước tự chảy (5 hệ thống); đồng thời đề nghị Công ty Cổ phần Đô thị Cam Ranh, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thái Bình Dương (COPAC) tăng cường các trạm bơm, cải tạo các tuyến ống cũ, tuyến nhánh bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khoan 30 giếng, xây 30 bể dự trữ, đào vét 69 ao cũ phục vụ khu vực các hộ chưa có nước máy sử dụng; khơi thông các tuyến kênh mương cầu Bồ Đề, Suối Cát; các tuyến mương trên địa bàn xã Cam Hòa, Suối Tân, Cam Thành Bắc, Cam Tân; sửa chữa các tuyến kênh hư hỏng như: B8, Cửu Lợi, Cam Hòa, NN2 Suối Cát… Về sản xuất nông nghiệp, huyện kiến nghị tỉnh dừng sản xuất vụ hè thu gần 3.000ha, ước thiệt hại 154 tỷ đồng; sử dụng nguồn nước từ ao, khoan giếng để cứu diện tích cây ăn quả, hoa màu hiện có. Riêng xã Cam Phước Tây vẫn đủ nước sản xuất hè thu (377ha) do được cung cấp nước từ hồ Tà Rục. Các biện pháp chống hạn hiện nay là vận động người dân không gieo lúa hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn; tăng cường các biện pháp tìm kiếm nguồn nước như: đào ao, khoan giếng, nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất hoa màu, cây ăn quả, chăn nuôi; tủ gốc cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, tưới bổ sung hạn chế cây chết… Dự kiến kinh phí chống hạn của huyện gần 20 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện các công trình chống hạn gần 13 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau hạn hán hơn 7 tỷ đồng.


V.L