11:10, 25/10/2019

Đảm bảo an toàn hồ đập

Tuy mùa mưa bão đã cận kề nhưng hiện nay, mực nước tích được tại các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh thấp so với trung bình nhiều năm. Việc vận hành các hồ chứa nước hiện nay phải đáp ứng vừa tích nước phục vụ sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ.

Tuy mùa mưa bão đã cận kề nhưng hiện nay, mực nước tích được tại các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh thấp so với trung bình nhiều năm. Việc vận hành các hồ chứa nước hiện nay phải đáp ứng vừa tích nước phục vụ sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ.

Hồ chứa cạn nước
 

Thời gian qua, trên địa bàn các địa phương phía nam tỉnh đã xuất hiện một đợt mưa. Tuy nhiên, đợt mưa này vẫn chưa đủ sức bù nước cho các hồ chứa đang cạn nước. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó phụ trách Văn phòng đại diện Cam Lâm, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) không khỏi e ngại khi đến cuối tháng 10 mà lượng nước trong hồ Cam Ranh chỉ mới đạt 9,66 triệu m3, trong khi dung tích hồ là 22,1 triệu m3; còn lượng nước trong hồ Suối Dầu mới đạt 21,74 triệu m3, trong khi dung tích thiết kế là 32,78 triệu m3. Mực nước tại các hồ này đều đạt thấp so với trung bình nhiều năm.

 

zzCửa xả lũ hồ chứa nước Cam Ranh quá nhỏ, cần đầu tư xây dựng thêm đập tràn để đảm bảo an toàn công trình.

Cửa xả lũ hồ chứa nước Cam Ranh quá nhỏ, cần đầu tư xây dựng thêm đập tràn để đảm bảo an toàn công trình.


Tại khu vực hồ Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa), mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, lượng mưa lớn nhất thường tập trung từ ngày 15-10 đến 15-11 hàng năm, nhưng năm nay mưa rất ít. Từ đầu năm đến nay, khu vực này chỉ xuất hiện lác đác vài cơn mưa nhỏ. Đến thời điểm này, hồ Đá Bàn chỉ mới tích được 18,08 triệu m3, trong khi dung tích thiết kế lên đến 75 triệu m3. “Hồ Đá Bàn có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 7.800ha lúa 2 vụ và rau màu, nước cho sản xuất và sinh hoạt ở vùng hạ du. Chúng tôi rất lo không biết mùa mưa năm nay có tích đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt hay không?”, ông Đinh Minh Trường - Cụm phó Cụm đầu mối Đá Bàn nói.


Ngoài các hồ chứa trên, qua theo dõi của Chi cục Thủy lợi, đến ngày 24-10, toàn tỉnh chỉ có duy nhất 2 hồ chứa nhỏ đạt 100% dung tích thiết kế là hồ Cây Bứa và hồ Suối Luồng. Các hồ: Hoa Sơn, Suối Trầu, Suối Lớn, Bà Bác, Cây Sung, Tà Rục, Đồng Bò đạt từ 60% dung tích trở lên. Các hồ có dung tích đạt rất thấp là hồ Đá Đen (26%), Tiên Du (38%), Suối Hành (44%), EakrongRou (32%)… Nguyên nhân của tình trạng này là do năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh ít mưa, mùa mưa đến muộn nên việc tích nước của các hồ chứa đạt thấp so với trung bình các năm trước.


Nỗi lo mùa mưa bão


Mặc dù các hồ chứa đang có tỷ lệ tích nước thấp, những hư hỏng, xuống cấp nhỏ đã được khắc phục, sửa chữa, nhưng qua kiểm tra của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho thấy, vẫn còn một số hồ đang đối mặt với nỗi lo mất an toàn, trong đó nổi bật là các hồ: Cam Ranh, Đá Bàn, Đồng Bò.

 

Tại hồ Đá Bàn, có 5 vị trí lún sụt trên mái taluy đã được đánh dấu. Ngoài ra, qua thời gian sử dụng, đến nay, cống lấy nước của hồ Đá Bàn đã xuống cấp, các khớp nối rò rỉ nước, lưu lượng rò qua khe phai cống và lỗ thông hơi đo được là 1,38 m3/s, ứng với mực nước hồ ở cao trình 48,40m, khi mực nước hồ tăng cao thì nước rò rỉ qua khe phai cống sẽ tăng theo. “Để đảm bảo an toàn cho hồ Đá Bàn, công ty đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư xây dựng cống lấy nước mới bằng đường hầm tuynen”, ông Đinh Minh Trường cho biết.

 

Lượng nước tại hồ chứa nước Đá Bàn hiện nay thấp hơn cùng kỳ nhiều năm.

Lượng nước tại hồ chứa nước Đá Bàn hiện nay thấp hơn cùng kỳ nhiều năm.


 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, hồ Cam Ranh được xây dựng, đưa vào sử dụng cách đây gần 20 năm, dung tích thiết kế 22,1 triệu m3, diện tích lưu vực lên đến gần 60km3. “Trong quá trình điều tiết lũ những năm gần đây, chúng tôi thấy thời gian nước lũ đổ về hồ rất nhanh, lưu lượng lớn, có thời điểm lên đến 160m3/s. Do hồ này chỉ có 1 cửa xả nên việc điều tiết lũ rất bị động. Khi nước từ thượng nguồn đổ về lớn, trong thời gian ngắn buộc chúng tôi phải tăng lưu lượng xả điều tiết để đảm bảo an toàn hồ nên dễ gây ngập lụt vùng hạ du. Công ty đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư xây dựng mới tràn tự do số 2 để đảm bảo an toàn, giúp điều tiết lũ tại hồ chứa này”, ông Hùng nói.

 

Tại hồ Đồng Bò (hay còn gọi là hồ Kênh Hạ), sáng 24-10, công tác khắc phục, gia cố tình trạng lún sụt mặt tràn đang được Công ty Thủy lợi Khánh Hòa tích cực triển khai. Hồ chứa với dung tích 700.000mnày có hệ thống tràn tự do. Vào mùa mưa lũ năm trước, do mưa lớn, lượng nước đổ về hồ quá nhanh đã tạo nên dòng chảy mạnh ở hệ thống tràn tự do. Điều này khiến mặt tràn bị xói lở, lún sụt nghiêm trọng và uy hiếp trực tiếp đến hàng chục hộ sinh sống phía hạ lưu. Từ đó đến nay, đơn vị quản lý hồ đã nhiều lần tập trung khắc phục. Qua quan sát, mặt tràn hồ Đồng Bò đang hoàn tất công đoạn gia cố cuối cùng. Trong vài ngày tới, việc xử lý, gia cố mặt tràn sẽ hoàn tất.

 

Mặt tràn hồ Đồng Bò đang được gia cố.

Mặt tràn hồ Đồng Bò đang được gia cố.


 

Để hồ chứa được an toàn


Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa (28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện), có 18 hồ chứa lớn thuộc quản lý, vận hành của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa. Theo đơn vị quản lý, các hồ chứa nước đã được kiểm tra, đảm bảo vận hành trong mùa mưa lũ năm 2019. Theo đó, 18 hồ chứa mà công ty quản lý có tổng dung tích thiết kế gần 213 triệu m3. Công ty đã tiến hành lập phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn đập cho từng hồ chứa, thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; các vật tư phòng, chống lụt bão như: rọ đá, đá hộc, bao tải, cát… đã được tập kết tại từng hồ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Trong thời gian qua, công ty cũng đã triển khai xong nhiều công trình khắc phục hậu quả mưa bão. Trong đó, mái taluy cả thượng lưu và hạ lưu đập hồ Đá Bàn, mái thượng lưu hồ Tiên Du đã khắc phục xong sạt lở; tổng kinh phí để khắc phục đối với 2 hồ chứa này là 18 tỷ đồng.


Được biết, để đảm bảo an toàn các hồ chứa, năm nay, tỉnh bố trí khoảng 15 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục xuống cấp ở các hồ trên địa bàn. Ngoài nguồn vốn này, có 8 hồ chứa không đảm bảo an toàn gồm: Suối Trầu, Láng Nhớt, Đồng Bò, Đá Mài, Cây Sung, Suối Luồng, Suối Lớn, Bến Ghe cũng đã được bố trí nguồn kinh phí từ Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (Dự án WB8) để nâng cấp, sửa chữa. Các hồ sơ, thủ tục đang được khẩn trương hoàn tất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện thi công vào đầu năm 2020.


Ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Để đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ cho tỉnh thực hiện nâng cấp tràn xả lũ hồ Cam Ranh với kinh phí dự kiến khoảng 80 tỷ đồng và nâng cấp cống lấy nước hồ Đá Bàn với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, sở kiến nghị bộ hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, mở rộng tuyến thoát lũ cho 2 hồ chứa nước Suối Hành - Tà Rục (dự kiến 150 tỷ đồng) và tuyến thoát lũ hồ chứa nước Đá Đen (dự kiến 50 tỷ đồng)”. 

 
Diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão những năm gần đây đã để lại hậu quả nặng nề ở nhiều địa phương trong tỉnh. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa phải thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa kịp thời các hạng mục công trình bị hư hỏng xuống cấp; theo dõi diễn biến thời tiết, tính toán lưu lượng nước về hồ để tích nước, điều tiết lũ hợp lý. Đặc biệt, trong quá trình điều tiết lũ cần phối hợp tốt với các địa phương vùng hạ du để kịp thời cảnh báo, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.


HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG