11:07, 15/07/2019

Hiệu quả từ mô hình "Gương sáng"

Cũng như các xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác "tranh thủ già làng, trưởng bản" tham gia đảm bảo an ninh trật tự là việc làm thường xuyên ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn.

Cũng như các xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác “tranh thủ già làng, trưởng bản” tham gia đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) là việc làm thường xuyên ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa.


Ở xã Sơn Lâm, đồng bào Raglai chiếm 75%, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, tình trạng thiếu ăn trong các tháng giáp hạt vẫn còn phổ biến. Cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế, người dân vẫn còn vận dụng các hủ tục lạc hậu để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn. Ngoài ra, các tệ nạn xã hội, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, cờ bạc vẫn còn tồn tại, làm ảnh hưởng đến ANTT của địa phương.

 

Già làng Tro Nam Cao và Công an xã.

Già làng Tro Nam Cao và Công an xã.


 Để ổn định tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã Sơn Lâm xác định đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo ANTT ở địa phương. UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nâng cao vai trò trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 09/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; Thông tư số 23 của Bộ Công an về xây dựng khu dân cư, xã đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT; Kế hoạch số 747 của Giám đốc Công an tỉnh về phát động toàn dân phòng, chống tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp.


Đặc biệt, Đảng ủy, UBND xã còn quan tâm đến việc xây dựng các tổ chức quần chúng tự quản về ANTT trên địa bàn. Trong đó, nổi bật là mô hình “Gương sáng”. Mô hình tập hợp 10 già làng tiêu biểu của 4 thôn, có nhiệm vụ phối hợp với Công an xã làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động con, cháu không vi phạm pháp luật, không say xỉn, không cờ bạc, không hủ tục; hòa giải mâu thuẫn giữa các gia đình và giữa nhân dân với chính quyền… Mô hình này được xây dựng từ năm 2014 và đang phát huy hiệu quả.


Kể từ khi thành lập đến nay, các già làng đã tham dự hàng trăm buổi họp dân do chính quyền, công an hay Mặt trận, đoàn thể tổ chức để vận động nhân dân tham gia phong trào. Các già làng đã không quản tuổi cao, tích cực tham gia công tác đảm bảo ANTT, thường xuyên khuyên nhủ, vận động con cháu không vi phạm pháp luật. Bằng cách thức tuyên truyền khéo léo, có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, hay vận động người dân tham gia sản xuất, chăn nuôi hiệu quả… Các già làng đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, chính quyền, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.


Từ đầu năm 2014 đến nay, các già làng đã tham gia hòa giải thành hàng chục vụ va chạm, mâu thuẫn trong sinh hoạt; giúp Công an xã giải quyết nhiều vụ vi phạm pháp luật (chủ yếu là uống rượu say và gây rối ANTT). Già làng Tro Nam Cao (76 tuổi), thôn Du Oai, có hơn 50 năm tuổi Đảng; già làng Cao Ngọc Xá từng vận động các thanh niên trong thôn Du Oai bỏ tụ tập uống rượu say, gây mất ANTT; già làng Cao Hồ Thân - Tổ trưởng Gương sáng, vận động đối tượng Cao Nhang thôi buồn chán gia đình, ý định tìm đến cái chết, hiện nay gia đình hòa thuận. Già làng Tro Minh Địa - Phó tổ trưởng Gương sáng, từng vận động đối tượng Mấu Hồng Văn không nghe theo luận điệu kẻ xấu chống lại chính quyền… Các già làng của mô hình “Gương sáng” còn tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước của thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong quan hệ ứng xử, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Với những việc làm thiết thực, các già làng đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân trong thôn; bên cạnh việc giữ gìn những nét đẹp truyền thống của người dân tộc mình, còn chung tay góp sức xây dựng quê hương no ấm và bình yên. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của huyện Khánh Sơn, UBND huyện đã tặng giấy khen cho mô hình và tặng quà cho 10 già làng trong tổ Gương sáng.


Đại tá Nguyễn Tiến - Trưởng Công an huyện Khánh Sơn cho biết: “Trong vùng đồng bào dân tộc Raglai, vai trò của già làng là hết sức quan trọng. Mô hình Gương sáng ở xã Sơn Lâm phát huy được vai trò của các già làng trong công tác đảm bảo ANTT. Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của già làng và mô hình, cần tăng cường công tác thông tin, tập huấn bồi dưỡng cho các già làng về chủ trương, đường lối, chính sách. Đồng thời, phát huy trách nhiệm, uy tín của các già làng, để họ trở thành nhân tố tích cực trong cộng đồng xã hội, thực hiện tốt công tác dân vận, trở thành hạt nhân trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; là cầu nối đưa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương”.


MINH CƯỜNG