10:05, 23/05/2019

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh rơi vào nhóm cao của cả nước. Tình trạng này buộc ngành Dân số tỉnh phải có giải pháp khống chế.

Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh rơi vào nhóm cao của cả nước. Tình trạng này buộc ngành Dân số tỉnh phải có giải pháp khống chế.


Rơi vào nhóm cao


Đến nay, Khánh Hòa đã rơi vào nhóm tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao của cả nước. Tỷ lệ trung bình bé trai/bé gái đã tăng lên khoảng 110,4%, một số địa phương có tỷ lệ cao là: Diên Khánh 120%, Ninh Hòa 119%, Vạn Ninh 116%... Tình trạng này đang có chiều hướng tiếp tục tăng ở các địa phương.

 

Một hoạt động truyền thông nhóm về giảm thiểu mất cân bằng giới tính  khi sinh ở Cam Lộc, Cam Ranh.

Một hoạt động truyền thông nhóm về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở Cam Lộc, Cam Ranh.


Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết, công tác dân số thời gian qua có nhiều thay đổi, do các Trung tâm DS-KHHGĐ sáp nhập về Trung tâm Y tế. Sự thay đổi đó đã ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có công tác tuyên truyền. Hiện nay, 75% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; cơ cấu dân số chuyển biến tích cực; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; các dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao và gần dân hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề còn hạn chế như: mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc đạt thấp, mới đạt khoảng 33,3% so với kế hoạch đề ra của năm 2018; chương trình xã hội hóa các phương tiện tránh thai đã triển khai nhưng chưa được nhân rộng. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, mặc dù hàng năm chi cục đã tổ chức nhiều lớp truyền thông, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề tại các cụm dân cư, tăng cường phát thanh tại các xã, phường…


Tiếp tục tuyên truyền


Những năm qua, để kìm hãm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm việc chẩn đoán giới tính thai nhi. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng lồng ghép tuyên truyền về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp với Sở Y tế rà soát, kiểm tra các nhà sách bày bán các sách có nội dung hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành vẫn chưa tạo được sự thay đổi lớn trong nhận thức của một bộ phận người dân về bình đẳng giới.


Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường dao động từ 102 - 106 bé trai/100 bé gái. Khi số bé trai được sinh ra tăng cao hơn so với tỷ lệ trên thì đó là dấu hiệu của lựa chọn giới tính. Nếu tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng với mức độ hiện nay, thì đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi dưới 50. Từ đó, nhiều hệ lụy nghiêm trọng, khủng hoảng về hôn nhân sẽ diễn ra như: nam giới khó lấy vợ, một bộ phận có thể kết hôn muộn, hoặc không thể kết hôn; phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; nguy cơ lan rộng các bệnh lây truyền qua đường tình dục; buôn bán phụ nữ, bạo lực giới gia tăng. Thậm chí, sẽ thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề liên quan đến nữ như: giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, y tá nữ. Tình trạng di cư vì mục đích hôn nhân cũng ngày càng tăng, làm cho xã hội, đời sống của nhiều phụ nữ, nam giới, gia đình cũng như cộng đồng mất ổn định.


“Thời gian tới, song song với việc triển khai các nội dung nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, truyền thông bằng công nghệ cao, hoặc sử dụng các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường các buổi truyền thông theo từng nhóm đối tượng phù hợp; mở các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế và cộng tác viên về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của trẻ em gái, hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi”, bà Oanh nói.


Thiết Trang