05:04, 19/04/2019

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Điều trị thành công bệnh lõm ngực bẩm sinh thuộc ca khó

Ca phẫu thuật được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh kết hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh áp dụng theo phương pháp Nuss – đây là một kỹ thuật mới, tiên tiến.

 

Chiều 19-4, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh viện vừa kết hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật điều trị thành công ca khó về ngực lõm bẩm sinh cho nữ bệnh nhân Trần Kiều Mỹ D. (19 tuổi, thị xã Ninh Hòa). 

 

Ca phẫu thuật được các bác sĩ của 2 bệnh viện áp dụng theo phương pháp Nuss – đây là một kỹ thuật mới, tiên tiến. Ở phương pháp này, các bác sĩ thực hiện bằng cách đưa một thanh nâng ngực bằng thép cứng vào sau xương ức qua đường nách của bệnh nhân (vết mổ chỉ khoảng 1 cm). Tiếp đó, thanh kim loại sẽ được cố định bằng dụng cụ hoặc khâu chỉ thép. Sau khoảng 1 đến 3 năm, tùy theo kết quả thực tế của bệnh nhân, thanh thép này sẽ được lấy ra khỏi lồng ngực.

 

<p>Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân.</p>

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ Huỳnh Như Quốc Hùng, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu cho biết, mặc dù phẫu thuật ngực lõm đã được bệnh viện thực hiện thường xuyên nhưng trường hợp này khá đặc biệt và khó, do bệnh nhân đã lớn tuổi và ngực bị lõm sâu biến dạng. Để phẫu thuật thành công đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao, nếu không rất dễ thất bại, nhất là khi thực hiện tách giữa tim với xương ức để đưa thanh nâng ngực vào rất dễ dẫn tới rách màng tim hoặc rách một số vị trí khác của tim như: tâm thất, tâm nhĩ… dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân trong lúc phẫu thuật. Ngoài ra, sau khi đặt xong, thanh nâng ngực có thể bị xoay, không nằm đúng trọng tâm...

 

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, ca mổ đã thành công. Trong tuần này, bệnh nhân D. sẽ xuất viện.

 

Thanh ngực được đưa vào để nâng ngực bệnh nhân

Thanh ngực được đưa vào để nâng ngực bệnh nhân.

 

Theo người nhà bệnh nhân, khi sinh ra, bệnh nhân D. bình thường. Đến tuổi dậy thì, D. thấy hình dáng ngực của mình không cân đối, hay bị mệt nhiều, thỉnh thoảng thấy triệu chứng tức ngực tăng lên. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thấy D. vẫn sinh hoạt bình thường nên gia đình cũng không đưa đi khám bệnh. Đến năm 19 tuổi, khi các triệu chứng mệt, khó thở, tức ngực tăng lên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, gia đình đưa D. đi bệnh viện mới phát hiện D. bị mắc bệnh ngực lõm bẩm sinh đã biến dạng sâu.

C.Đan