09:03, 14/03/2019

Heo bị tiêu hủy vì dịch bệnh: Được hỗ trợ tương đương với giá thành

Khi phát hiện heo bị dịch bệnh phải quyết liệt xử lý, tiêu hủy, kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đúng quy định. Đó là một trong những chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa tại chỉ thị về việc tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi vừa được ban hành. 
 

 

Khi phát hiện heo bị dịch bệnh phải quyết liệt xử lý, tiêu hủy, kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đúng quy định. Đó là một trong những chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa tại chỉ thị về việc tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi vừa được ban hành. 
 
 
Hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo tiêu hủy
 
 
Theo Quyết định 2229 ngày 4-8-2017 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, heo bị dịch bệnh, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất với mức 38.000 đồng/kg heo hơi. Đây là mức hỗ trợ hợp lý, tương đương với giá thành trong hoạt động chăn nuôi heo hiện nay.

 

 Một trại nuôi heo lạnh ở Cam Lâm.
Một trại nuôi heo lạnh ở Cam Lâm.
 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Võ Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tân (huyện Câm Lâm) cho biết, những năm trước, khi đàn heo trên địa bàn xã bị bệnh heo tai xanh, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi đều tích cực phối hợp triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi có heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy đều đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Đầu tháng 3-2019, trên địa bàn xã xuất hiện 1 ổ dịch lở mồm long móng tại 1 hộ chăn nuôi, 22 con heo với tổng trọng lượng trên 800kg đã được tiêu hủy và áp dụng các giải pháp tiêu độc, khử trùng, ổ dịch được khống chế kịp thời. Hiện nay, xã đang hoàn thiện các thủ tục để trình huyện xem xét hỗ trợ cho hộ chăn nuôi này.
 
 
Đơn giản tối đa thủ tục
 
 
Điều kiện quan trọng để được hỗ trợ đó là người chăn nuôi phải đăng ký kê khai ban đầu được UBND xã xác nhận. Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: “Tổng đàn heo trên địa bàn huyện hiện trên 90.000 con. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi đều đã đăng ký kê khai ban đầu với UBND cấp xã. Ngay khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền xã, cơ quan thú y và người chăn nuôi tổ chức các giải pháp khống chế dịch bệnh lây lan, tiến hành các bước xử lý, tiêu hủy theo quy định, đồng thời hoàn thành các chứng từ, thủ tục để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Đối với mức hỗ trợ nằm trong quỹ ngân sách dự phòng của huyện, huyện tổ chức hỗ trợ luôn. Còn trong trường hợp vượt quá ngân sách huyện thì sẽ đề xuất lên UBND tỉnh. Đến nay, việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi đàn vật nuôi bị dịch bệnh, buộc phải tiêu hủy ở địa phương không gặp trở ngại, vướng mắc gì”.
 
 
Theo ông Huỳnh Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc (Cam Lâm), quy trình thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi khi đàn vật nuôi bị dịch bệnh, buộc phải tiêu hủy không có gì khó khăn. Khi có dịch phải tiêu hủy vật nuôi, người chăn nuôi chỉ cần làm đơn đề nghị được hỗ trợ, trong đó kê khai số lượng gia súc bị thiệt hại, gửi chính quyền cấp xã. Nhận được đơn, cấp xã tổ chức kiểm tra, xác minh, hoàn thiện các thủ tục chuyển lên cấp huyện để xem xét ra quyết định hỗ trợ.
 
 
Theo quy định, kể từ khi nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của người chăn nuôi và các chứng từ liên quan, cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết hồ sơ chậm nhất là trong 15 ngày làm việc; chính quyền địa phương phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
 
 
Mới đây, trong cuộc họp giữa UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương về việc triển khai các giải pháp ứng phó với dịch tả heo châu Phi, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo cấp xã tổng rà soát và nắm chắc số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh. Đây là căn cứ quan trọng để xác định số lượng, trọng lượng đàn heo của từng xã, từng thôn để khi xảy ra dịch bệnh có cơ sở hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo cấp huyện chỉ đạo cấp xã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định hiện hành.
 
 
Hồng Đăng