09:06, 07/06/2013

Nan giải thu hồi đất rừng bị xâm canh

Tình trạng người dân phát nương, làm rẫy trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn đã kéo dài nhiều năm với diện tích rất lớn.

Tình trạng người dân phát nương, làm rẫy trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã kéo dài nhiều năm với diện tích rất lớn. Điều này đang khiến việc thu hồi đất rừng bị xâm canh để tái sinh rừng, bóc tách giao cho các hộ thiếu đất sản xuất gặp nhiều khó khăn.


Canh tác trên đất rừng phòng hộ

1
Hiện có rất nhiều người dân canh tác trên đồi Kô Lắk, thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn.


Khi nắng chiều chưa khuất hẳn sau những dãy núi, trên con đường mòn từ khu dân cư thôn Kô Lắk ngược lên những quả đồi hướng mặt trời lặn, chúng tôi bắt gặp nhiều bà con người dân tộc Raglai đi rẫy về. Trong số họ có không ít người vừa khai thác keo bán được số tiền kha khá, nhưng trên những gương mặt sạm nắng, ngoài vẻ mệt mỏi sau một ngày lao động mệt nhọc, dường như vẫn ẩn chứa một nỗi buồn nặng trĩu. Bởi lẽ, những khoảnh đất rừng họ vừa khai thác keo giờ đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi để trả lại cho BQLRPH Khánh Sơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người trong số họ sẽ không còn đất để canh tác. Anh Cao Thắng (thôn Kô Lắk) giãi bày: “Vừa rồi mình chặt keo bán được gần hai chục triệu đồng nhưng buồn hơn cả khi mất mùa các anh ạ. Vì mất mùa này thì còn hy vọng vào mùa sau, chứ mấy bữa nữa 1,5ha đất trồng keo của gia đình mình bị thu hồi thì không biết lấy gì mà ăn!”. Bà Cao Thị Nghín (người cùng thôn) cũng chỉ tay về đồi Kô Lắk với vẻ buồn rầu: “Khoảnh đất rừng trên đó gia đình tôi khai phá làm rẫy từ năm 1988. Năm 2004, xã hợp đồng với lâm trường, sau đó giao lại đất đó cho nhà tôi trồng keo. Nhà tôi mới khai thác keo xong, đang định phát đốt để trỉa lúa thì xã mời lên thông báo chuẩn bị thu hồi lại đất trả cho lâm trường. Như thế thì buồn lắm vì nhà tôi không còn đất để làm ăn nữa”.


Tìm hiểu vấn đề người dân phản ánh, chúng tôi được biết, đây là những trường hợp trong số 22 hộ dân ở thôn Kô Lắk được UBND xã Sơn Bình giao đất trồng keo trên quỹ đất do địa phương ký hợp đồng với Lâm trường Khánh Sơn (nay là BQLRPH Khánh Sơn). Hiện tại, diện tích đất rừng này thuộc đất RPH, hơn nữa, hợp đồng giữa UBND xã Sơn Bình và Lâm trường Khánh Sơn đã hết thời hạn nên BQLRPH Khánh Sơn đang có chủ trương thu hồi lại toàn bộ diện tích này (20ha) để khôi phục RPH. Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Về lý thì diện tích đất này thu hồi là đúng. Nhưng xét về tình thì cũng rất tội cho người dân vì không ít hộ trong số 22 hộ dân này không có đất để sản xuất ngoài diện tích đất do xã ký hợp đồng với Lâm trường rồi giao cho họ trồng keo. Hiện tại, đây đang là vấn đề khó khăn của địa phương”.

1
Rẫy mì của người dân xâm canh trên đất rừng phòng hộ.


Tuy nhiên, 20ha đất rừng thuộc phạm vi quản lý của BQLRPH Khánh Sơn, do người dân canh tác như trên vẫn không đáng kể so với diện tích đất rừng trên địa bàn huyện thuộc quyền quản lý của đơn vị này vẫn đang do người dân trực tiếp canh tác. Riêng địa bàn xã Sơn Bình còn có 40 hộ dân khác đang canh tác trên khoảng 66ha đất rừng thuộc phạm vi quản lý của BQLRPH Khánh Sơn. Xã Sơn Trung hiện cũng có 29 hộ dân đang canh tác trên hơn 81ha đất rừng thuộc phạm vi quản lý của BQLRPH. Và đây cũng là  thực trạng chung của hầu hết các xã trên địa bàn huyện.


Đâu là lời giải?


Theo ông Bo Bo Na, trưởng thôn Kô Lắk, bao đời nay cuộc sống của người dân trong thôn vẫn dựa vào việc phát nương làm rẫy; rẫy của bà con có trước khi Lâm trường Khánh Sơn thành lập. Do vậy, khi nghe nói đất mình đang canh tác là đất của BQLRPH, bà con đã không đồng tình.

1
Một rừng keo của người dân trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn.


Trong câu chuyện với ông Lê Ánh Sáng, chúng tôi được biết, UBND xã Sơn Bình đã nhiều lần mới các hộ dân canh tác nương rẫy trong lâm phận quản lý của BQLRPH Khánh Sơn để giải thích, vận động họ trả lại đất cho đơn vị chủ rừng, nhưng người dân phản ứng rất quyết liệt, bởi hầu hết họ đều thiếu đất sản xuất nên mới xâm lấn đất rừng. “Chúng tôi kiến nghị cấp trên xem xét bóc tách 86ha đất mà người dân địa phương trồng keo ổn định khoảng 10 năm nay giao cho bà con để tiếp tục trồng keo, vừa phát triển được rừng sản xuất lại vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”, ông Sáng nói. Không riêng ông Sáng, lãnh đạo nhiều địa phương khác của huyện Khánh Sơn - những nơi có tình trạng người dân đang canh tác trên phần đất được giao cho BQLRPH quản lý - cũng có ý kiến tương tự khi đề cập đến vấn đề này.


Những ngày ở Khánh Sơn tìm hiểu chuyện “rừng - rẫy”, chúng tôi được một lãnh đạo huyện cho biết, thực hiện chủ trương bóc tách đất lâm nghiệp để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, địa phương dự kiến sẽ bóc tách hơn 530ha đất lâm nghiệp từ BQLRPH Khánh Sơn. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 85ha đất trống có thể bóc tách được. Còn hơn 440ha thuộc đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ đang do người dân địa phương trực tiếp canh tác các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực… thậm chí, đã tự ý sang nhượng trái phép nên rất khó bóc tách. Theo ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để giải quyết đất sản xuất cho một số hộ dân thiếu đất sản xuất, huyện đã nhiều lần chỉ đạo các xã rà soát lại số diện tích đất mà người dân xâm lấn trái phép để kiến nghị thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi các diện tích đất này gặp rất nhiều khó khăn. “Tình trạng người dân xâm canh, làm rẫy trên đất lâm nghiệp, đất rừng kéo dài trong thời gian qua tại Khánh Sơn trách nhiệm chính vẫn thuộc về chủ rừng là BQLRPH Khánh Sơn”, ông Bình nói.


Trong khi đó, ông Huỳnh Long Vấn - Phó Giám đốc BQLRPH Khánh Sơn cho biết, hiện đơn vị được giao quản lý gần 18.000ha rừng, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất lâm nghiệp. Tuy diện tích rất lớn nhưng ranh giới được giao không rõ ràng; trong quá trình giao đất cho đơn vị chủ rừng, các cơ quan chức năng trước đây không rà soát, bóc tách phần diện tích đất sản xuất mà người dân đã canh tác trước đó nên hiện trong lâm phận của đơn vị quản lý vẫn xen lẫn nhiều đất rẫy người dân đang sản xuất. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, cũng như việc tiến hành thu hồi đất để tái sinh rừng, bóc tách đất giao cho các hộ thiếu đất sản xuất. “Quan điểm của chúng tôi là việc thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp chỉ phục vụ việc tái sinh rừng, trồng lại rừng phòng hộ chứ không phải để phục vụ lợi ích riêng của đơn vị hay cá nhân nào. Chúng tôi đang tiến hành đo đạc, thống kê lại toàn bộ diện tích đất bà con canh tác, sản xuất trên toàn bộ phần đất của đơn vị được giao quản lý để báo cáo cụ thể lên cấp trên có hướng chỉ đạo giải quyết. Trước mắt, đối với những diện tích đất có rừng thì phải giữ để khoanh nuôi, tái sinh, không để người dân tiếp tục xâm lấn, mở rộng diện tích. Còn đối với những nương rẫy mà người dân canh tác ổn định lâu nay, chúng tôi sẽ đề xuất cho người dân tiếp tục canh tác; những diện tích đất trống, chưa làm gì thì để cho bà con sản xuất nhằm nâng cao thu nhập”, ông Vấn cho biết.


Nam Anh - Thủy Ba