22:25, 19/05/2023

Sáng tháng Năm trời trong xanh quá

Đó là lời ca trong bài hát nổi tiếng “Chúng con bên giấc ngủ của Người” của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước. Đây là ca khúc hay về Bác Hồ và có lẽ cũng là một trong những ca khúc đầu tiên về Lăng Bác.

 

Theo lời kể của nhạc sĩ, năm 1976, khi mới 23 tuổi, chàng lính trẻ Đăng Nước theo cha là một cán bộ cảnh vệ bảo vệ Lăng Bác vào thăm khu lăng vừa xây dựng xong. Được đến tận nơi an nghỉ của Bác, ông vô cùng xúc động. Với vốn kiến thức âm nhạc ít ỏi, ông đã viết bản nhạc đầu tay nhưng sau này thành bất hủ của đời mình. Khi đem bản nhạc đến Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Lê Lôi - Trưởng phòng Ca nhạc không tin một chàng trai trẻ chưa học nhạc lại sáng tác được bản nhạc xúc động, sâu lắng thế, nhưng đó là sự thật. Bản nhạc được dàn dựng thu âm bởi 2 giọng ca nổi tiếng của đài là Trần Thụ và Hữu Nội. Từ làn sóng phát thanh, giai điệu, lời ca “Chúng con bên giấc ngủ của Người” đã âm vang khắp mọi miền: “Ơ sáng tháng Năm trời trong xanh quá/Bốn phương tụ về Ba Đình/Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa tròn giấc mơ/Ơ nay chúng con cùng canh giấc Bác/Tiếng ca đọng niềm nhớ thương/Cháu con đời đời bên Bác/Bác ơi Bác ngủ ngon lành”. Từ đó đến nay, bản nhạc được âm vang trên sóng phát thanh, truyền hình, hội diễn và như bản nhạc truyền thống của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Bác. Với người dân, khi vào viếng Bác đều nghe và thầm hát bài ca này.

Cùng cảm xúc với nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, trước đó 1 năm, nhạc sĩ gạo cội mảng dân ca Dân Huyền cũng vào thăm công trường xây dựng Lăng Bác. Với cảm xúc dâng trào về ngày khánh thành, đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam sẽ ra Thủ đô viếng Bác, thỏa lòng ước mong bao năm, nhạc sĩ Dân Huyền đã sáng tác bài hát “Bên lăng Bác Hồ”: Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong/Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng/Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông”. Bài hát với giai điệu mượt mà, sâu lắng, tình cảm thiết tha theo làn điệu miền Trung nên đã ngay lập tức được công chúng đón nhận. Đó cũng như lời ca giới thiệu trước về công trình Lăng Bác sắp khánh thành đón công chúng, vì bản nhạc ra đời vào tháng 8-1975, khi lăng chưa xây dựng xong.

Trong đoàn người con miền Nam ra Hà Nội viếng Lăng Bác ngay sau khi đất nước thống nhất có nhà thơ Viễn Phương. Với niềm xúc động vô bờ, ông đã làm ngay bài thơ “Viếng Lăng Bác” nổi tiếng. Bài thơ được đăng báo và nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ ngay bản nhạc với lời ca: “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác/Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam…”; hay “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi/Muốn làm con chim ca hát bên lăng…”. Có lẽ đây là bản nhạc thấm đẫm tình cảm của người miền Nam với Bác theo đúng như lời xưa Bác từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Sự kết hợp tài tình đầy tình cảm của thi sĩ và nhạc sĩ người miền Nam đã làm nên một nhạc phẩm về Bác đỉnh cao cho đến tận hôm nay.

Trong chùm ca khúc viết về Bác Hồ của nhạc sĩ Thuận Yến, “Vầng trăng Ba Đình” là một trong những bài hát hay. Đó là sự mở màn cho những cảm hứng sáng tác sau này, như: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Người về thăm quê”, “Miền Trung nhớ Bác”… Với bản nhạc “Vầng trăng Ba Đình”, nhạc sĩ Thuận Yến lấy hình ảnh ánh trăng để nói về Bác. Nhưng ánh trăng Ba Đình của ông vô cùng giản dị, thân thiết như hình ảnh Bác Hồ với đồng bào: “Trăng lên, kìa trăng lên/Quảng trường dâng biển sáng/Ơi vầng trăng, vầng trăng Ba Đình/Mênh mông, mênh mông, mênh mông và thiêng liêng/Trong lăng Bác vừa chợt nghỉ/Như sau mỗi việc làm/Trăng ơi trăng biết thế/Nên trăng bước nhẹ nhàng”. Nhạc sĩ Thuận Yến lấy cảm hứng từ lúc sinh thời Bác rất thích trăng như bài thơ Nguyên tiêu “Trăng ngân đầy thuyền” nên đã sáng tác một ca khúc trữ tình nhẹ nhàng, vừa tôn kính Bác, vừa ngợi ca vô cùng tinh tế. Vì thế, bản nhạc “Vầng trăng Ba Đình” thành biểu tượng của âm nhạc Thuận Yến.

DƯƠNG MY ANH