08:03, 17/03/2020

Lần đầu tiên xuống phố

Năm chị 42 tuổi, đứa em gái út lấy chồng. Chị ngồi cả mấy ngày trời để cắt dán những mảnh giấy nhiều màu thành tên hai đứa, thành chữ Vu quy, thành bộ ảnh đám cưới chuột để dán lên tường...

Năm chị 42 tuổi, đứa em gái út lấy chồng. Chị ngồi cả mấy ngày trời để cắt dán những mảnh giấy nhiều màu thành tên hai đứa, thành chữ Vu quy, thành bộ ảnh đám cưới chuột để dán lên tường. Chị làm công việc ấy rất thích thú, dẫu rằng ở tiệm dịch vụ cưới hỏi mấy thứ đó đều có bán. Nhưng chị bảo: “Những đồ bán sẵn không đẹp. Chị làm mới đẹp”. 
 
Cả nhà có bảy chị em gái, đứa này cách đứa kia 1 - 2 tuổi. Đứa em út của chị năm nay 22 tuổi, nó sẽ làm dâu ở một gia đình tận miền Trung. Tình yêu luôn là ẩn số không ai giải thích được, nó khiến cho hai người hoàn toàn xa lạ, tự nhiên yêu thương nhau và quyết định gắn bó nhau trong suốt cuộc đời với những buồn vui. Ngọc, cô em út sẽ rời khỏi căn nhà này, rồi sẽ còn lại chị và mẹ già. Nhà vốn có 8 người phụ nữ, kể cả mẹ, nay lần lượt lìa khỏi những buồn vui. Ba chị qua đời đã lâu, mẹ chị hay bệnh, không thể làm được việc nặng, chị trở thành bà mẹ lớn trong nhà với 6 cô em gái. Để rồi chị trở thành người gỡ rối những câu chuyện tình cho các em của mình, dẫu chị chỉ biết chuyện tình yêu qua mấy bộ phim Hàn Quốc hoặc qua mấy mục giải đáp tâm tình trên các tờ báo. Sự hiểu biết của chị làm cho mấy đứa em ngạc nhiên, như thể chị đã dăm lần trải qua đau khổ vì tình yêu. Cứ thế, những ngày xinh đẹp của chị trôi qua mà chị không hề hay biết.
 
Thật ra thì chị là một cô gái đẹp. Chị không cao lắm nhưng thân hình khá chuẩn. Nhưng nhan sắc của chị gần như không dành cho một ai.
 
Năm chị 32 tuổi, đứa em gái kế làm đám cưới. Chị nhớ năm ấy trời bỗng đổ mưa. Cả nhà đều bận rộn vì lần đầu tiên tổ chức đám cưới. Năm ấy, chị may chiếc áo dài đầu tiên. Nguyệt, đứa em kế sắp lấy chồng phải chở chị tới tận tiệm may, lựa vải may cho chị. Vải áo mỏng tang làm chị khó chịu, bảo với nó rằng chị không thích. Nhỏ em ngắm nhìn chị, phá lên cười: “Tính ra trong bảy chị em, chị đẹp nhất nhà. Chị cứ kín bưng như thế, sao quen được ai?”. Nguyệt nói cũng có lý, bởi thời buổi này, trời có rét cóng, đi ra biển vẫn thấy mấy cô gái ngồi sau xe máy của bạn trai, bên trên thì mặc áo da, bên dưới lại mặc chiếc quần ngắn khoe cặp đùi thon thả. Nhưng chị vẫn không thích ai nhìn thấy một phần da thịt của chị. Chiếc áo dài may năm đó sau này chị lại tiếp tục mặc đến đám cưới đứa em thứ ba, khi nó bị bạc màu chị mới may áo mới. Có đứa nghịch ngợm mua tặng chị chiếc váy đen ngắn, cổ rộng, chị mặc vào là thấy đỏ mặt.
 
Chị học dở dang ngành mỹ thuật khi xong năm thứ hai. Lý do chị không thể tiếp tục việc học vì chị lo cho cả bầy em gái. Ông thầy dạy vẽ đã đeo đuổi chị một thời gian dài. Dăm lần tới nhà rủ chị đi uống cà phê, xem phim chị đều lắc đầu. Khi ông thầy dạy vẽ bảo mẹ đến nhà đặt vấn đề thì chị nói như đinh đóng cột: “Khi nào mấy đứa em lấy chồng xong thì tới phiên tôi. Ông có đợi được không?”. Tất nhiên là không ai đợi được chị, họ giống như những ngọn gió xuân cứ lượt là bay qua con phố, rồi một ngày nào đó gió thu cũng tới để bứt hết lá trên cành. Chị trở thành một người chị đảm đang, không có tình yêu riêng cho mình. Ông thầy dạy vẽ sau đó cũng đi lấy vợ. 
 
Buổi tối hôm đó, chị trở về nhà sau khi đứa em cuối cùng lên xe về nhà chồng. Nghe nói hai đứa quen nhau qua mạng rồi yêu nhau. Nó đưa cho chị một gói nhỏ, nói: “Chị cất đi, khi nào lấy chồng thì đeo”. Đó là một chiếc nhẫn cưới. Chị đem chiếc nhẫn cưới ấy để trên bàn, ngắm nhìn nó như lắng nghe thời gian đang trôi qua. Chị nhớ đến con bé, nó lí lắc, nũng nịu ngay từ thời chị còn bồng nó. Chị còn nhớ có lần nó đòi con búp bê khi chị dắt nó đi hiệu sách, nó nằm vạ dưới đất cho đến khi chị mua con búp bê mới thôi. Trong hành lý về nhà chồng, nó cũng mang theo con búp bê đã cũ đó. Vậy mà giờ nó đã lấy chồng. Chị cười một mình: “Chị già rồi, ai mà lấy chị”.
 
Con bé đã lên máy bay vào Sài Gòn và chuẩn bị đi hưởng tuần trăng mật ở Singapore. Nó gọi điện về nhà trước khi đi: “Em đi nghen, chị Cả”. Chị nhìn chiếc nhẫn cưới mà buồn. Nỗi buồn của chị không phải đã bước qua tuổi 42 mà vẫn đơn lẻ trong cuộc đời, mà là nỗi buồn trống vắng. Căn nhà có bảy chị em giờ còn một mình chị, đúng hơn là còn mẹ già đang ngủ trong phòng. Những tiếng cười, tiếng la, tiếng xe máy nổ, tiếng dành ăn, tiếng bước chân khua mới đó mà chỉ còn là những âm vang của quá khứ.
 
Hình như phố cũng chỉ vừa mới lên đèn. Đó là lúc phố bắt đầu tung tăng, là lúc phố lả lơi. Tự dưng chị thèm xuống phố, và đây là lần đầu tiên chị xuống phố một mình. Bởi khi còn lũ em, thường chị đi với tụi nó. Còn bây giờ chị có một mình, mà chị lại buồn quá.
 
Chị lấy chiếc váy ngắn để trong tủ đã lâu, mặc vào. Chị ngắm mình qua gương như đang nhìn ai đó, tự nhủ thử một lần xem sao. Rồi chị phóng xe ra đường. Chị dừng lại ở quán cà phê có những chùm lồng đèn đỏ, ghế sát ngay con đường. Chị vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm thiên hạ qua lại.
- Hằng vẫn không có gì thay đổi.
 
Người đàn ông đó tự dưng kéo ghế ngồi trước mặt chị. Trong ánh đèn mờ chị nhìn ra một kỷ niệm, kỷ niệm xa lắc xa lơ của năm lớp 12. Người đàn ông đó là Tùng, anh chàng đã từng viết cho chị một lá thư dài đến 8 trang giấy học trò. Chị nói như reo: “Tùng!”.
 
Đó là lần đầu tiên chị uống cà phê với một người đàn ông.
 
Truyện ngắn của Khuê Việt Trường