10:03, 14/03/2023

Dấu ấn ngành Điện ảnh ở xứ Trầm

Hòa cùng dòng chảy điện ảnh cách mạng nước nhà, trong suốt 52 năm hình thành và phát triển, ngành Điện ảnh Khánh Hòa đã để lại những dấu ấn, tình cảm đẹp trong lòng công chúng. Tuy hoạt động điện ảnh công lập trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những người trong nghề vẫn bền bỉ theo đuổi, phục vụ nhu cầu của đồng bào vùng miền núi, hải đảo.

Hòa cùng dòng chảy điện ảnh cách mạng nước nhà, trong suốt 52 năm hình thành và phát triển, ngành Điện ảnh Khánh Hòa đã để lại những dấu ấn, tình cảm đẹp trong lòng công chúng. Tuy hoạt động điện ảnh công lập trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những người trong nghề vẫn bền bỉ theo đuổi, phục vụ nhu cầu của đồng bào vùng miền núi, hải đảo.


Những năm tháng không quên


Ông Đinh Xuân Thặng - nguyên Giám đốc Công ty Điện ảnh Khánh Hòa nhớ lại: “Tháng 8-1971, Ban Tuyên huấn Khu 5 thành lập một đội chiếu bóng vào phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở Khánh Hòa. Đội gồm hai người là tôi và anh Nguyễn Công Cẩn nhận lệnh lên đường. Từ vùng rừng núi Trà My (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi mang theo 1 máy chiếu 16 ly, một số phim truyện và phim tài liệu 16mm băng rừng, lội suối vào Khánh Hòa. Tháng 10-1971, đội vào đến Khánh Hòa và kịp chuẩn bị để chiếu buổi phim đầu tiên phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI tại chiến khu Tà Gộc (huyện Khánh Vĩnh). Đây là dấu mốc đánh dấu cho sự ra đời ngành Điện ảnh cách mạng ở Khánh Hòa”.  

 

Khán giả đi xem phim ở rạp Tân Tân. Ảnh tư liệu

Khán giả đi xem phim ở rạp Nha Trang. Ảnh tư liệu


Buổi chiếu phim đầu tiên ấy trên quê hương Khánh Hòa đã nhận được nhiều lời khen tặng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ. Trên đà tinh thần đó, đội liên tục đến các vùng căn cứ trong tỉnh để chiếu phim phục vụ đồng bào và chiến sĩ. Đến đầu năm 1973, Ban Tuyên huấn Khu 5 tăng cường cho Khánh Hòa thêm 1 đội chiếu bóng. Các đội đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống thời chiến tranh nhằm đáp ứng nhu cầu xem phim của đồng bào trong tỉnh. Không những thế, các đội chiếu bóng còn tổ chức phục vụ người dân các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Những bộ phim cách mạng được chiếu lúc đó như: Rừng o Thắm, Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi, Tiền tuyến gọi… đã thực sự đem đến nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với người dân.  


Tháng 4-1975, theo chân đoàn quân giải phóng, các đội chiếu bóng đã hội tụ tại Nha Trang để tiếp nhận trang thiết bị, máy móc chiếu phim của chế độ cũ bỏ lại, đồng thời tổ chức chiếu phim cách mạng phục vụ người dân. Đến tháng 5-1975, toàn tỉnh có 7 đội chiếu bóng và được tổ chức lại thành Phòng Chiếu bóng, trực thuộc Ty Thông tin Khánh Hòa. Đến đầu năm 1976, Phòng Chiếu bóng đã thực hiện được 500 buổi chiếu, mở 2 lớp đào tạo cho 15 nhân viên vận hành và 10 nhân viên thuyết minh.


Tiếp bước hành trình đã qua


Tháng 2-1976, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương thành lập Quốc doanh chiếu bóng sớm nhất sau ngày đất nước giải phóng. Đến năm 1985, Quốc doanh chiếu bóng được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Phú Khánh. Với trọng trách vừa phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị - văn hóa xã hội, vừa tổ chức kinh doanh trên lĩnh vực điện ảnh, công ty đã hoàn thành xuất sắc khi liên tục kinh doanh có lãi, mạng lưới chiếu bóng trong toàn tỉnh được phát triển. Đến đầu năm 1989, ngành Điện ảnh tỉnh đã có 13 rạp và 29 đội chiếu phim. Tháng 7-1989, đơn vị được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Khánh Hòa. Đây là giai đoạn cả nước bước vào thời kỳ đổi mới nên hoạt động của đơn vị gặp những khó khăn nhất định. Nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao, công ty đã dần vượt qua những khó khăn và đạt thành tựu mới. Đó là việc thành lập lại 4 đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào miền núi; tham mưu lãnh đạo ngành Văn hóa thực hiện việc quản lý các hoạt động điện ảnh, băng hình trên toàn tỉnh. Qua đó, đã loại bỏ được những bộ phim có nội dung xấu, đưa vào các bộ phim có nội dung lành mạnh.


Từ năm 2004 đến nay, Công ty Điện ảnh Khánh Hòa được chuyển mô hình hoạt động thành Trung tâm Điện ảnh rồi Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh. Gần 10 năm qua, hoạt động điện ảnh bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt nhu cầu của người dân miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. “Trải qua gần 52 năm, ngành Điện ảnh Khánh Hòa dù có những bước thăng trầm nhưng đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển văn hóa của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh còn 4 đội chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân các điểm vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Những người làm công tác chiếu phim vẫn âm thầm nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trung bình mỗi năm, các đội thực hiện hơn 1.000 buổi chiếu để đem lại niềm vui cho đồng bào”, ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết.

 

Ông NGUYỄN VĂN THIỆN - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Hoạt động điện ảnh trên địa bàn tỉnh từ quá khứ đến hiện tại đều để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân, nhất là những người yêu mến loại hình nghệ thuật thứ bảy. Ngày nay, trong bối cảnh thị hiếu thẩm mỹ của người dân có nhiều thay đổi, các loại hình văn hóa giải trí ngày càng đa dạng, phong phú và dễ tiếp cận đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động chiếu phim lưu động vẫn được duy trì và tiếp tục có những đóng góp trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.


Giang Đình