10:08, 12/08/2022

Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được cảm giác bồi hồi thổn thức về hình tượng cô gái miền thảo nguyên có tên Giamilia trong bộ truyện ngắn (thực ra là truyện vừa) của nhà văn Liên Xô Chingiz Aitmatov mà mình đọc trong thập niên 80. 

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên được cảm giác bồi hồi thổn thức về hình tượng cô gái miền thảo nguyên có tên Giamilia trong bộ truyện ngắn (thực ra là truyện vừa) của nhà văn Liên Xô Chingiz Aitmatov mà mình đọc trong thập niên 80. Đó là cuốn sách in trên giấy đen, chữ bé xíu nhưng đầy mê hoặc. Rồi sau đó, thời gian làm cho mất hút cuốn sách hư ảo này, nhưng những Cây thông non trùm khăn đỏ, Mắt lạc đà, Người thầy đầu tiên và Giamilia vẫn là âm hưởng dạt dào mãi không bao giờ tắt trong trí nhớ của mình.

 


Không chỉ có tôi mà trước đó hơn chục năm, hàng triệu bạn đọc Xô viết và thế giới đã sững sờ trước hiện tượng “Giamilia” của Aitmatov trên văn đàn đầu thập niên 1960, nói như nhà phê bình Lê Sơn, Aitmatov là “ca sĩ của núi đồi và thảo nguyên” bởi tác giả của thiên truyện diễm tình lộng lẫy này sinh ra ở miền núi tuyết Kighzia, nay là Cộng hòa Kyrgyzstan. Khi được dịch sang tiếng Việt, Giamilia - truyện núi đồi và thảo nguyên trở thành tác phẩm văn học được công chúng Việt Nam yêu thích đến mê hoặc.

 

Chingiz Aitmatov (1928-2008), nhà văn Liên Xô được giải thưởng Lênin, anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Các tác phẩm của ông được dịch ra 150 ngôn ngữ trên toàn thế giới.

Trở lại với tập truyện ngắn nổi tiếng này, lần đầu tiên bạn đọc đến với miền Trung Á xa xôi kỳ bí với những thảo nguyên bao la và những dãy núi lấp lánh tuyết phủ. Nhưng điều kỳ diệu chính là những con người dưới ngòi bút của Aitmatov trở nên sống động và đặc sắc tới từng chi tiết nhỏ nhất. Câu chuyện đơn giản chỉ là người phụ nữ ở một làng nghèo hẻo lánh có tên Giamilia, là vợ của một chiến sĩ đi chiến đấu. Lẽ thường thì Giamilia sẽ là mẫu người phụ nữ trung hậu, thủy chung, đảm đang việc nhà, nhưng với Aimatov thì Giamilia vừa bình dị vừa nền nã nhưng trong tâm hồn nàng cũng đầy những trăn trở giông bão và cả nỗi bất hạnh của người vợ buồn khổ…  Đoạn kết, nàng Giamilia đã lên xe ngựa với một người đàn ông ra đi với một chân trời mới. Độc giả đọc tới đây lẽ thường sẽ nổi giận, nhưng không, tất cả đều xúc động tới nghẹn ngào trước việc làm của Giamilia. Có lẽ đây là một tư duy vô cùng mạnh mẽ và đặc sắc của Aitmatov vào thời điểm đó mà ai cũng phải công nhận rằng đó là trái tim nhân hậu.


Chúng ta sẽ gặp “Cây phong non trùm khăn đỏ” - đó là mối tình dang dở và tan vỡ của một chàng trai lái xe trên đỉnh núi Thiên Sơn hùng vĩ với một cô gái ở bản làng xa xôi trên đường thiên lý, nhưng đó lại là bản tình ca đầy đau đớn khắc khoải khi con người đến rồi ra đi. Rồi hình ảnh người thầy giáo Dyuishen trong truyện “Người thầy đầu tiên” làm xúc động bao người...


Aitmatov có thể đem đến cho công chúng những kiệt tác như: Con tàu trắng, Đoạn đầu đài, Một ngày dài hơn thế kỷ, nhưng với Giamilia - truyện núi đồi và thảo nguyên thì công chúng vẫn coi như một “người tình đầu tiên” vừa diễm lệ vừa day dứt và bi tráng. Để đến hôm nay, bất cứ ai đã trải qua thời tuổi trẻ của thế kỷ trước khi cầm cuốn sách này đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc như gặp lại tình yêu trong veo của mình.


Dương My Anh