10:04, 29/04/2022

Đoàn binh Tây Tiến - phiên bản văn xuôi đặc sắc của Quang Dũng

Ai yêu văn học cũng đều biết bài thơ lừng danh "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng, bởi thế khi độc giả được cầm cuốn sách có tên "Đoàn binh Tây Tiến" (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành) đều rất ngạc nhiên.

Ai yêu văn học cũng đều biết bài thơ lừng danh “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, bởi thế khi độc giả được cầm cuốn sách có tên “Đoàn binh Tây Tiến” (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành) đều rất ngạc nhiên. Đây là bản ghi chép có tính hồi ký của Quang Dũng viết năm 1952 và nó vẫn mang âm hưởng của bài thơ kiêu hùng “Tây Tiến” mà nhà thơ sáng tác năm 1948. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhà thơ vẫn cất giữ không in và để thành lưu cảo cho đến tận hôm nay khi gia đình nhà thơ cùng Nhà xuất bản Kim Đồng đã cùng nhau cố gắng ra mắt công chúng năm 2019. Đây là cuốn sách cực kỳ có giá trị, mang nhiều xúc cảm về tâm hồn của những người lính Tây Tiến năm xưa nên ngay lập tức trở thành tác phẩm được đọc nhiều nhất. Cuốn sách đã được Hội đồng giải thưởng sách quốc gia trao giải A lần thứ 3 và cho đến hôm nay trên các kệ sách, quyển sách quý này vẫn được đặt trang trọng như một tình cảm to lớn với thi sĩ Quang Dũng.

 


“Đoàn binh Tây Tiến” thực sự là những trang hồi ký sinh động, tỉ mỉ và chứa chan tình cảm. Không chỉ là kỷ niệm, đây còn là mảnh hồn của những chàng thanh niên Hà thành “xếp bút nghiên” nhập ngũ. Núi rừng Tây Bắc như một xứ sở kỳ bí, khiến cho các chàng lính trẻ không khỏi tò mò, háo hức. Bản Đậu, làng Chiềng Hạ trước kia còn xa lạ, nay đã in dấu chân của họ. Đi đến đâu, người lính bộ đội Cụ Hồ cũng được dân bản yêu quý. Tình quân dân được xây dựng từ những điều giản đơn gần gũi hằng ngày như kể chuyện cho nhau nghe, hòa mình vào các lễ hội của dân bản… Không chỉ là những mẩu chuyện trên đường hành quân, chuyện lính tráng, trận mạc, Quang Dũng còn khiến người đọc có thêm những hình ảnh khác về người lính. Đó là ẩn sau bộ quân phục xanh ấy là những trái tim nghệ sĩ đầy hào hoa, lãng tử. Giọng văn giàu chất thơ và họa, nhà thơ Quang Dũng đã tái hiện một đoàn quân Tây Tiến với những chàng trai không ngần ngại hiến dâng tuổi thanh xuân của mình - “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.


Cuốn hồi ký đã miêu tả kỹ càng, chân thực về cuộc hành binh của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Có phần bi hùng của bài thơ “Tây Tiến”, nhưng nó không còn màu sắc hào hoa, lãng mạn, ước lệ của thi ca nữa, mà đó là những trang văn tả thực về những gì đoàn binh Tây Tiến trải qua. Tình cảm của nhân dân dành cho đoàn quân Tây Tiến vô cùng sâu nặng, thắm thiết vô bờ: “Ông tộc trưởng người Dao mổ bò thết đãi đoàn võ trang. Chiều đã xuống. Những ống mỡ bò đã cháy sáng khắp nhà”. Đó như là tiệc xòe hoa...


Cuốn sách vỏn vẹn gần 150 trang nhưng thật sự là một tư liệu quý bởi không đơn thuần là tác phẩm văn học viết về binh đoàn Tây Tiến, đây còn như một nhân chứng lịch sử lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc mà điển hình là những đoàn quân khởi đầu cuộc chiến chống Pháp gian khổ. Nhà thơ Quang Dũng - người chiến binh Tây Tiến dưới con mắt tinh tường, tâm hồn dạt dào đầy tài hoa  đã dựng lên những “thước phim vô giá” về những bước chân bộ đội cụ Hồ đi về miền tây xa thẳm. Nhiều nhà phê bình cho rằng Tây Tiến may mắn có người lính Quang Dũng và Quang Dũng cũng may mắn khi gia nhập Tây Tiến để góp cho nền văn học những tác phẩm bất hủ.


Sau gần 70 năm tưởng trong im lặng, tập hồi ký của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến năm xưa giờ đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà. Cùng với bài thơ “Tây Tiến”, quyển sách “Đoàn binh Tây Tiến” tiếp tục ngân vang giai điệu hào hùng bi tráng đầy chất lãng mạn của những người lính năm xưa.


Dương My Anh