10:01, 04/01/2022

Phim remake - Mừng hay lo?

Cho đến giờ này, công chúng vẫn tấm tắc khen và nhớ những bộ phim: Người phán xử, Cây táo nở hoa, Sống chung với mẹ chồng, Hậu duệ mặt trời, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ… được chiếu ở rạp hay trên truyền hình. Đó chính là những phim được gọi là remake - bản làm lại từ kịch bản gốc ở nước ngoài.
 

Cho đến giờ này, công chúng vẫn tấm tắc khen và nhớ những bộ phim: Người phán xử, Cây táo nở hoa, Sống chung với mẹ chồng, Hậu duệ mặt trời, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ… được chiếu ở rạp hay trên truyền hình. Đó chính là những phim được gọi là remake - bản làm lại từ kịch bản gốc ở nước ngoài.

 

 
Remake không phải bây giờ mới xuất hiện trên truyền hình hay màn ảnh mà đã cách đây gần 20 năm với các phim như: Cô gái xấu xí, Nhật ký Vàng Anh, Mùi ngò gai… Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, trước nhu cầu của khán giả truyền hình và tính thương mại của phim rạp nên các nhà sản xuất đều có xu hướng tìm nguồn kịch bản từ nước ngoài như: Trung Quốc, Châu Âu và đặc biệt là Hàn Quốc để sản xuất. Ưu điểm của phim remake là kịch bản đã bảo đảm về nội dung, ăn khách, đặc biệt có những tình huống, chi tiết và nhân vật giống với người Việt. Trong khi đó, kịch bản Việt lại không đáp ứng được những yếu tố đó, nhiều nhà viết kịch không cập nhật được truyền hình hay điện ảnh hiện đại, nội dung đơn giản, có sự lặp lại nên các nhà sản xuất khó có thể sử dụng được. Bởi điện ảnh hay phim truyền hình hôm nay đã qua cái thời phim chỉ để lấp đầy thời lượng hay ra rạp để “chào mừng - phục vụ”, phim ra rạp phải bán được vé, lên sóng truyền hình phải hút được quảng cáo, vì thế áp lực nặng nề cho các nhà sản xuất. 
 
Việc các nhà sản xuất sử dụng phim remake cũng là xu hướng của thời đại, bởi văn hóa có tính quảng đại chung thẩm mỹ, dù ở nước ngoài hay trong nước cũng không quan trọng, miễn là hay và hấp dẫn người xem, đáp ứng được yếu tố ăn khách thì các nhà sản xuất an tâm mua bản quyền về để sản xuất. Điều đó cũng giống những các games show truyền hình hiện nay có tới 90% đều là mua bản quyền từ nước ngoài để sản xuất trong nước.
 
Trong âm nhạc có từ cover để nói về những ca sĩ biểu diễn lại những bản nhạc nổi tiếng theo đúng ca sĩ trước đó đã biểu diễn để thấm đẫm chất hoài cổ và giữ được sắc thái của tác phẩm đó thì trong điện ảnh hay truyền hình phim remake cũng hao hao như thế để bảo tồn giá trị gốc. Tuy nhiên, nhiều phim lại chỉ dựa vào sườn khung còn “da thịt” thì thuần hóa Việt một cách tuyệt đối như phim Người phán xử. Khán giả nếu tinh ý sẽ thấy rằng những chi tiết cốt truyện trong phim ở Việt Nam không đạt “trình độ” như thế nên có cảm tưởng rất thú vị vì mới lạ. Đây là yếu tố hiếm hoi của phim kịch bản Việt có thể làm được. Tuy vậy, có phim như Sống chung với mẹ chồng (kịch bản gốc của Trung Quốc), người xem ban đầu thích thú nhưng càng về sau càng thấy phim có xu hướng “trượt khỏi” văn hóa Việt và trở nên xa lạ tới khiên cưỡng! Hiện nay, các nhà sản xuất phim có vẻ thích “nhập khẩu” kịch bản Hàn Quốc vì trên thị trường phim thế giới, phim Hàn đang có tiếng vang lớn, chúng ta có thể kể những phim như: Vua bánh mì, Hậu duệ mặt trời, Hương vị tình thân… Sự chuyển đổi từ văn hóa Hàn sang Việt tương đối đơn giản nên các bộ phim dạng này nhanh chóng hòa vào tư duy của người Việt nên công chúng cứ ngỡ đó là phim của Việt Nam.
 
Với điện ảnh, phim remake cũng nổi đình nổi đám. Phim Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một ví dụ. Đây là phim có nguồn gốc từ Italia, sau đó Hàn Quốc làm remake, tới Việt Nam lấy từ Hàn về. Với bàn tay của đạo diễn Quang Dũng, phim được Việt hóa với một sắc thái mới trên nền kịch bản tuyệt vời. Phim thành công ở rạp với mức độ ăn khách thuộc hàng đỉnh cao thời điểm ra mắt năm 2020. Trước đó, năm 2018, đạo diễn Quang Dũng cũng làm bộ phim remake của Hàn Quốc có tên Tháng năm rực rỡ, phim cũng trở thành hiện tượng của mùa hè 2018 được công chúng đón nhận.
 
Ngoài mặt tích cực thì phim remake phát triển cũng để lại những điều lo ngại, trước hết đó là sự sáng tạo của đội ngũ làm phim, trong đó có khâu kịch bản đã bị tụt hậu, không đáp ứng được xu hướng thời đại và công chúng bản địa. Khi các nhà sản xuất cứ hướng ngoại thì rõ ràng các nhà sáng tạo trong nước nản lòng, từ đó càng bị suy giảm trong khâu sáng tác, lên ý tưởng. Với một nền điện ảnh nếu phim remake tồn tại lâu dài thì sẽ dẫn đến cảnh chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, đánh mất bản sắc văn hóa bản địa.
 
Dương Trang Hương