10:12, 01/12/2020

Chuyện nhân quả trong vở Vu lan báo hiếu

Mới đây, Đoàn Dân ca của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đã công diễn vở dân ca kịch Vu lan báo hiếu. Mượn câu chuyện có nguồn gốc từ đạo Phật, các nghệ sĩ, diễn viên đã gửi tới khán giả câu chuyện về phép nhân quả, đạo hiếu hạnh trong cuộc đời.
 

 

Mới đây, Đoàn Dân ca của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa đã công diễn vở dân ca kịch Vu lan báo hiếu. Mượn câu chuyện có nguồn gốc từ đạo Phật, các nghệ sĩ, diễn viên đã gửi tới khán giả câu chuyện về phép nhân quả, đạo hiếu hạnh trong cuộc đời.
 
 
Vở diễn do nghệ sĩ Kim Chín viết kịch bản; NSƯT Hoàng Minh Tâm làm đạo diễn. Trong đêm diễn báo cáo, vở diễn đã thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả có mặt ở khán phòng số 70 Sinh Trung (TP. Nha Trang). Câu chuyện vở diễn mang nội dung về luật nhân quả, đạo hiếu hạnh của con người, cũng như những giá trị đạo đức trong cuộc sống. Trong bộn bề cuộc sống hôm nay, đây đó đã có hành vi bất hiếu, vô ơn, dẫn đến những hệ quả khôn lường. Nhắc lại một câu chuyện xưa để cảnh tỉnh mọi người sống có tâm, có đức và làm tròn bổn phận của người con với đấng sinh thành. 

 

Cảnh diễn trong vở Vu lan báo hiếu.
Cảnh diễn trong vở Vu lan báo hiếu.
 
Cảm nhận chung của mọi người, đây là vở diễn nhẹ nhàng và dễ cảm.  “Vở diễn thu hút khán giả từ phần hình thức sân khấu đến âm nhạc, vũ đạo của diễn viên. Đặc biệt, các diễn viên đều diễn xuất rất đạt, giọng ca rõ ràng, có cảm xúc nên lôi cuốn được người nghe”, bà Lưu Thanh Bình (đường 2-4, TP. Nha Trang) cho biết. 
 
Trong câu chuyện của vở Vu lan báo hiếu, nhân vật Thanh Đề (nghệ sĩ Thu Trang đóng) đã có nhiều việc làm không phải đạo, liên tiếp phạm phải những tội lỗi với người đời. Kết cục, bà đã phải chịu cảnh đọa đày chốn địa ngục. Trong khi đó, Mục Kiều Liên (nghệ sĩ Sơn Hà đóng) - con của bà Thanh Đề lại có tâm hồn trong sáng, một lòng hướng thiện và đã giác ngộ Phật pháp. Trước những hành động của mẹ mình, Mục Kiều Liên đã ra sức khuyên ngăn và tìm mọi cách đưa mẹ về với con đường chính đạo. Nghiệp gieo quá nặng, người mẹ phải trả nợ cho những tội lỗi mình đã gây ra. Nhưng với bổn phận làm con, Mục Kiều Liên vẫn một lòng tôn kính mẹ, vẫn luôn dằn vặt bản thân chưa đáp đền công lao dưỡng dục. 
 
Nghệ sĩ Kim Chín cho biết, kịch bản vở diễn này được viết trong khoảng 2 tháng. Nhưng trước đó cả năm, ông đã phải tìm hiểu, đọc rất nhiều sách, tư liệu về nhà Phật để có thể thẩm thấu, hun đúc được những điều trong vở diễn. Điều khó nhất với tác giả kịch bản chính là vốn kiến thức về giáo pháp còn hạn chế nên rất dễ dẫn tới những sai sót trong sử dụng câu từ. Với NSƯT Hoàng Minh Tâm, khi đọc xong kịch bản, ông chưa hình dung được phải dựng vở như thế nào, nếu sử dụng chìa khóa vào vở diễn bằng xung đột kịch, bằng logic tâm lý nhân vật sẽ rất khó. Vậy nên, khi bắt tay đạo diễn, ông thấy cần sử dụng nhiều yếu tố mang tính ước lệ, gián cách trên sân khấu. Hình thức thể hiện của vở diễn sẽ mang đầy đủ các yếu tố ca - múa - kịch. Điều này tận dụng được những lợi thế của dân ca bài chòi khi đưa rất nhiều làn điệu dân ca vào, từ đó dễ thu hút sự quan tâm, theo dõi của khán giả. “Với những gì các diễn viên, nghệ sĩ đã thể hiện, bản thân tôi thấy hoàn toàn hài lòng. Thẳng thắn nhìn nhận, đây là vở diễn mang màu sắc khác, phong cách khác so với các vở dân ca kịch trước đây. Vậy nên, đòi hỏi mỗi diễn viên phải vừa diễn, vừa làm quen và tự hoàn chỉnh mình”, NSƯT Hoàng Minh Tâm cho biết. 
 
Theo bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, đây là vở diễn ngắn với kinh phí dàn dựng chỉ khoảng 100 triệu đồng. Vậy nên ê kíp dàn dựng, các nghệ sĩ, diễn viên đã phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình tập luyện, biểu diễn. Với những gì đã thể hiện, có thể xem vở diễn đã thành công bước đầu.  
 
GIANG ĐÌNH